That's what I call New age



Trong mục “Music that I recommend”, mình có ghi 3 dòng: Acoustic, Semi-classic, Instrument, nhưng chưa bao giờ có một dòng nào trong blog viết về Instrument, mặc dù đấy là thể loại mình nghe nhiều nhất, (chính là nó chứ không phải những bài hát mình vẫn review trên blog).Tạm ghi là Instrument, nói chung là thể loại nhạc không lời, còn chia ra thì chắc là nhiều lắm.

Việc mình bắt đầu nghe nhạc không lời thì không có lý do và cũng không thể phân biệt được thể loại, nó giống như một lẽ tự nhiên - con người cần có âm nhạc, và mình nghĩ âm nhạc không có lời chính là nguồn gốc âm nhạc, cũng là đỉnh cao của âm nhạc. Trải qua đủ thể loại, từ thời kỳ “đồ đá” với Richard Clayderman, Kenny G, cho đến vài năm gần đây bắt đầu bị “nhiễm” với một thể loại, có tên có tuổi tử tế, gọi là New age music. (Mà thật ra là khi mới bắt đầu nghe, mình cũng không biết nó được gọi là New age).

New age có thể là hòa tấu, cũng có thể độc tấu, có thể là piano, violin, guitar, saxophone, … và nhiều khi được bổ sung thêm những âm thanh tự nhiên (tiếng nước chảy, chim hót…), hoặc tiếng hát nhẹ phía sau (trong trường hợp này thì giọng hát lại là background chứ không phải nhạc cụ). (*)

New age đem lại cho người ta sự thư giãn và một trạng thái cân bằng cần thiết trong cuộc sống, không quá vui cũng không quá buồn. (Tuy nhiên cũng có một đôi lần, nghe New age mình có cảm giác muốn nhảy ngay xuống hồ, vì … quá hay!) Định nghĩa nhạc quá hay của mình là khi nghe xong người ta muốn nhảy ngay xuống hồ, đấy là lúc mà xung quanh mình thực sự không còn gì ngoài âm nhạc, nếu nhắm mắt lại sẽ thấy như từng giọt âm nhạc như những giọt sương rơi vào sâu trong tâm trí mình. Viết đến đây, mình dừng lại một chút để xem mình viết có quá tay không, nhưng quả thực là không quá nếu nghe những album kiểu như Comfort Music (của Back to Earth), hay Scenic Listening (của Kevin Wood).

Ít có thứ âm nhạc nào làm được điều đó. Nếu những bản nhạc có lời đem lại cho bạn những cảm xúc nhất định, tình yêu, những ký ức, những khát vọng, những bản nhạc giao hưởng đem lại cho bạn sự suy tưởng và ngẫm ngợi, thì New age là thứ nhạc để bạn trôi bồng bềnh trong một không gian chỉ còn âm nhạc và bạn, không ký ức, không suy tưởng…

Comfort Music 2 của Back to Earth là một album New age điển hình. Piano, guitar, violin, flute…, và những âm thanh tự nhiên khiến bạn thấy mình như đang lạc vào một khu rừng mùa xuân, xanh mướt và bình yên.

Cùng với Comfort Music 2, Scenic Listening cũng là một album New age hòa tấu khác mà mình thích, nhưng nó lại đem đến không gian của một vùng thảo nguyên mênh mông bát ngát, phía xa là những ngọn núi cao quanh năm tuyết phủ (có vẻ mình đang hình dung đến miền đất Tây Tạng khi nghe album này).

Đấy chỉ là hai trong số rất nhiều album với nhiều phong cách khác nhau của New age music. Một nhánh khác của New age mà có lẽ sẽ nhiều bạn thích hơn là Piano kiểu Kevin Kern, Danny Wright, Yiruma…., cũng rất hay nhưng với mình thì nó không tuyệt đối cân bằng như kiểu Comfort Music hay Scenic Listening.

Tất cả những album nhạc trên bạn đều có thể tìm thấy trong blog Giáo Hoàng. Và entry này viết ra trước hết để tặng anh Giáo, người say mê nhạc New age và đã đem các album nhạc New age đến gần với nhiều người hơn.

—————
Ảnh: Flickr.com

Viết thêm: (*) Thực tế, Nhạc New age có thể bao gồm cả không lời và có lời, nhưng do nghe phần lớn nhạc New age là không lời nên TN đã “nghiễm nhiên” coi New age là nhạc không lời. Sau khi nói chuyện với anh Giáo Hoàng thì mọi việc được sáng tỏ hơn. Tuy nhiên do tính chất bảo thủ trong tư tưởng nên đối với mình thì nhạc New age mà không có lời vẫn chiếm một vị trí đặc biệt.


0 comments:

Post a Comment