Đôi điều về Đức Tuấn



Để ý đến sự thành công của mỗi ca sĩ đã thành danh thì thấy họ đều gắn bó với tên tuổi của mình với một nhạc sĩ nào đó. Để mỗi khi nhắc đến nhạc sĩ thì người ta sẽ nghĩ đến ca sĩ, và ngược lại. Đây là một con đường đi khôn ngoan, nhưng trong số rất nhiều nhạc sĩ thì ca sĩ biết “gửi giọng” mình cho ai? Trịnh Công Sơn là người được nhiều ca sĩ gắn bó nhất, từ Khánh Ly đến Hồng Nhung, rồi Lô Thủy, Quang Dũng (trường hợp này chưa thành công lắm). Phú Quang có Ngọc Anh, Trần Tiến có Hà Trần, Anh Quân và Huy Tuấn có Mỹ Linh… Nhạc sĩ tưởng nhiều thế nhưng chọn được một nhạc sĩ hợp giọng, hợp phong cách và đủ đất để diễn, cũng không dễ.

Không biết mình có quá “nhiễm bệnh nghề nghiệp” không khi luôn đánh giá định hướng của các ca sĩ, nhạc sĩ dưới góc độ của một người làm marketing. Nhưng dù thế nào, nếu ca sĩ hay nhạc sĩ làm được điều đó, thì cũng rất tốt.

Trường hợp của Đức Tuấn không biết là ca sĩ chọn nhạc sĩ hay tất cả chỉ là sự tình cờ? Đức Tuấn đã có một lựa chọn “không tệ” (nói một cách khiêm tốn thế thôi), Đó là Phạm Duy và Thanh Tùng, hai trong số những nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam. Lý do không chỉ vì hai ông là những nhạc sĩ hàng đầu, mà còn vì gần như nhạc của hai ông chưa được gắn bó với một ca sĩ nào tại thời điểm hiện tại. Bài học marketing căn bản về sự khác biệt và người dẫn đầu, nhưng không phải ca sĩ nào cũng có thể thực hiện được thấu đáo.

Cá nhân mình không thích Đức Tuấn lắm, không biết tại sao, cũng không theo dõi những bước đi của Đức Tuấn trong âm nhạc. Nhưng những bước tiến từ từ, dần dần, chậm mà chắc của anh đến một thời điểm nào đó, bỗng nhiên gây ấn tượng với mình. Và có lẽ lựa chọn của Đức Tuấn đã đạt hiệu quả. Anh cũng có những khán giả ổn định và chất lượng riêng của mình.

Đầu tháng 10, Đức Tuấn phát hành tiếp một album nhạc Phạm Duy nữa: “Kiếp nào có yêu nhau”, một album nhạc trữ tình điển hình, trữ tình kiểu truyền thống Việt Nam, mà lại kết hợp với kiểu hát bán cổ điển của phương Tây, đấy là kiểu của Đức Tuấn. Một người bạn mình vẫn đi tìm những album nhạc “đặc trưng của Việt Nam” để giới thiệu cho người nước ngoài, thì đây có thể là một album khác bổ sung vào danh sách của bạn.

Download “Kiếp nào có yêu nhau”


0 comments:

Post a Comment