Đức Tuấn và Music of the night: Chiếc áo không làm nên thầy tu

Bài viết để đăng báo nhưng hụt, định gửi báo trong nước nhưng lại thôi, vì với nội dung này thì chắc không báo nào đăng cả, nhất là khi cuối tháng này Đức Tuấn còn có liveshow. Đêm qua viết bài này xong, (lúc chưa biết là không đăng được) còn nằm nghĩ hay là thôi cancel, mình viết thế này liệu có ảnh hưởng đến người ta không? Album bỏ ra 20 ngàn USD để làm, chắc là kỳ vọng cũng lớn, mời toàn siêu sao thế giới hợp tác cùng - hẳn ý định nghiêm túc và mất nhiều công sức. Mình viết một bài, dù chỉ như là ý kiến đơn lẻ của một người nghe, thì cũng là phủ nhận tất cả cố gắng của nghệ sĩ.

Nhưng người ta bảo cái ranh giới từ "chơi"
đến "ngông" gần nhau lắm.

Thêm nữa, báo chí ca ngợi ầm ĩ từ cả nửa năm nay - tiếc thay hình như chỉ toàn thông tin lấy từ Thông cáo báo chí ra thì phải, tất cả đều nhấn mạnh vào cái sự hoành tránh của ê-kíp thực hiện, của số tiền bỏ ra, của công sức Đức Tuấn đi mời được họ về... Tuyệt nhiên không thấy ai đả động là âm nhạc thế nào, hay dở ra sao.




Nằm trong một dự án khá ầm ĩ và gây sự chú ý của giới truyền thông trong vòng nửa năm qua, album “Music of the night” của Đức Tuấn cuối cùng đã ra mắt vào cuối tháng bảy vừa qua. Với 11 bản trích đoạn từ các vở nhạc kịch hiện đại đã rất nổi tiếng trên thế giới, hát hoàn toàn bằng tiếng bản ngữ, Đức Tuấn muốn khẳng định rõ hơn nữa ý định theo đuổi dòng nhạc bán cổ điển.

Được nhiều báo chí ca ngợi, đặc biệt về mức độ đầu tư, công sức và tiền bạc cho nó, tuy nhiên hiệu quả âm nhạc thực sự của album đem đến cho người nghe liệu có cân xứng và có được như những gì Đức Tuấn kỳ vọng?

Con đường đến với âm nhạc bán cổ điển

Đoạt giải nhất trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình Tp.Hồ Chí Minh năm 2000, từ khi mới 20 tuổi, tuy không tốt nghiệp một trường học chuyên nghiệp nào về âm nhạc, nhưng Đức Tuấn vẫn luôn được đánh giá tốt và có một vị trí tương đối ổn định trong lòng khán giả. Một trong những lý do quan trọng là Đức Tuấn khá thông minh trong việc lựa chọn con đường đi cho mình.

Nhắc đến Đức Tuấn là nhắc đến nhạc Phạm Duy. Hai album riêng hát nhạc Phạm Duy cùng rất nhiều album tác giả khác (Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Quốc Bảo), điều này hẳn không phải là ngẫu nhiên hoặc chỉ đơn thuần do sở thích. Anh được nhiều người gán cho “danh hiệu” là ca sĩ hát “nhạc sang”. Không có khái niệm cụ thể nào về “nhạc sang”, nhưng quả là Đức Tuấn đã tạo ra được một hình ảnh rất riêng biệt cho bản thân mình: trau chuốt, cẩn trọng, điềm đạm, về cả giọng hát và phong cách.

Con đường âm nhạc của Đức Tuấn không có sự chuyển hướng rõ rệt nào từ trữ tình tiền chiến sang nhạc bán cổ điển, mà nó là sự pha trộn và kết hợp song song trong cả quá trình hoạt động âm nhạc của anh. Một số ca khúc Phạm Duy hay Văn Cao được Đức Tuấn thể hiện theo kiểu bán cổ điển, với một chất giọng sáng và âm vực tương đối rộng. Sau này khi hát những ca khúc của Quốc Bảo, với phong cách này, Đức Tuấn cũng tạo ra được sự mới mẻ, khác biệt, cũng khá thú vị, khi so sánh với nhạc Quốc Bảo của Lê Hiếu hay Quốc Bảo của Mai Khôi, Thủy Tiên…

Và như vậy, cái tên Đức Tuấn dần dần được xếp vào nhóm những nam ca sĩ (khá hiếm hoi) ở Việt Nam hát bán cổ điển.

Chín năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp, con đường không hề ngắn đối với một ca sĩ, không nổi bật hẳn lên, cũng không quá chìm khuất, vì thế người ta có cảm giác Đức Tuấn vẫn còn rất nhiều năng lượng để cống hiến cho khán giả.

Và album “bom tấn” Music of the night

Đây là album thứ chín của Đức Tuấn, sau bảy album riêng và một album song ca với ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Khác với tất cả những sản phẩm trước, Music of the night đánh dấu nhiều điểm độc đáo, và “lần đầu tiên” với Đức Tuấn cũng như với nhạc Việt: album của một nam ca sĩ thực hiện hoàn toàn theo phong cách bán cổ điển, album hát hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, album chọn lọc các ca khúc nổi tiếng của nhạc kịch thế giới… Với tất cả những yếu tố đó, nó hoàn toàn có lý khi được mọi người quan tâm và kỳ vọng.

Mười một ca khúc trích trong các vở nhạc kịch hiện đại nổi tiếng thế giới, một số vở cũng đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, như: Phantom of the Opera, Les Miserable, Notre dame de Paris. Phải nói Đức Tuấn thực sự dũng cảm khi lựa chọn những ca khúc đó, vốn đã được rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới trình bày, theo nhiều phong cách khác nhau. Nếu ví việc Đức Tuấn phát hành album giống như việc đưa một sản phẩm mới ra thị trường, thì lần ra mắt này anh đã chọn con đường cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ đáng gờm và lớn mạnh nhất trên thế giới.

Trong số những bản nhạc mà Đức Tuấn chọn cho Music of the night, có một số bản tôi cũng chưa từng nghe từ vở nhạc kịch gốc. Với sự háo hức và kỳ vọng khá lớn về album này, tôi đã cố tình không tìm nghe những bản nhạc gốc trước khi nghe album của anh, để giữ cho tác phẩm được đứng độc lập, được là chính nó mà không có sự chi phối, ảnh hưởng hay so sánh với các tác phẩm ra đời trước đó.

Có thể kể ra một số bản như: Man of La Mancha, The impossible dream (hai bản trong nhạc kịch Man of La Mancha), This is the moment (nhạc kịch Jekyll & Hyde) là những bản nhạc tôi được nghe lần đầu và từ Đức Tuấn. Nhưng có lẽ vì kỳ vọng khá lớn nên sự thất vọng đã nằm ngoài mong đợi. Nhược điểm lớn nhất của Đức Tuấn là phần phát âm, từ đó kéo theo khá nhiều điểm yếu khác. Có lẽ anh loanh quanh với việc xử lý ngôn ngữ nên phần cảm xúc cho bài hát gần như không có, người nghe không cảm nhận được cái hồn của tác phẩm – một điều quan trọng mà những người hát nhạc kịch hay có thể làm được – để với những người nghe thậm chí không hiểu ngôn ngữ cũng có thể cảm nhận được sắc thái hoặc tâm trạng của lời hát.

Đối với những bản đã phổ biến ở Việt Nam thì có lẽ việc so sánh sẽ trở nên càng khập khiễng hơn. Quả thực rất đáng tiếc vì phần nhạc nền và phối khí của album được thực hiện rất ấn tượng, có sự biến đổi uyển chuyển để tạo ra hiệu quả, từ bán cổ điển, pop, hoặc pha trộn các nhạc cụ điện tử trên nền phối âm gốc (trong bản Phantom of the Opera song ca cùng nữ ca sĩ Geneviève Charest người Canada).

Trong số mười một tác phẩm, có một số bản nghe được như Le temps de cathedrales (nhạc kịch Notre dame de Paris, tiếng Pháp), The Phantom of the Opera, tuy nhiên như vậy vẫn là chưa đủ cho một kỳ vọng và cho những ấp ủ của Đức Tuấn.

Từ Music of the night nghĩ đến chuyện Quốc tế hóa nhạc Việt

Đức Tuấn không phải người đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải người cuối cùng có ấp ủ tiến xa bằng cách Quốc tế hóa hoạt động âm nhạc của mình. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, tôi vẫn nghĩ rằng có nhiều cách để đưa âm nhạc Quốc tế vào Việt Nam và ngược lại, đưa âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè Quốc tế.

Có lẽ album Music of the Night của Đức Tuấn sẽ thành công hơn, đi vào lòng người nghe nhiều hơn, nếu anh chọn cách hát bằng tiếng Việt. Vẫn là những tác phẩm này, phối khí này, nhưng hát bằng thứ ngôn ngữ mà anh có thể làm chủ được, chắc hẳn phần cảm xúc sẽ tăng lên nhiều. Đây là cách mà một số đồng nghiệp của anh đã thực hiện khá thành công, như Mỹ Linh và album Chat với Mozart, Lan Anh và album Hãy yêu nhau đi (trong album này, Lan Anh cũng đã hát một tác phẩm nằm trong nhạc kịch Phantom of the Opera, song ca cùng ca sĩ Tấn Minh với phần lời Việt).

Một tác phẩm hay và ở lại lâu dài với công chúng chưa chắc đã cần đến sự cầu kỳ. Chỉ cần một năm sau ngày phát hành, nếu tác phẩm vẫn còn được sẵn sàng nghe lại thì đó chính là sự thành công của người nghệ sĩ.

-----------

Bài viết khác về Đức Tuấn:
Đức Tuấn và Kiếp nào có yêu nhau

3 comments:

  1. Mình cũng rất thích giọng hát của Đức Tuấn, và cũng kỳ vọng vào album này, vì thấy báo chí viết cá nhiều. Tuy nhiên, khi nghe thì thật sự tiếc vì "không thỏa mãn".
    Tôi cũng đã nghe Chat với Mozart và Hãy Yêu Nhau Đi, thì đều thấy ca sỹ VN có chất giọng tốt, không thua kém gì với ca sỹ quốc tế, nhưng cái điểm yếu của mình lại là ở chỗ quá cẩn thận về kỹ thuật, mà mất đi cảm xúc. Nghe những album theo thể loại Audiophile của các nghệ sỹ Trung, Nhật, Sing... họ cũng cover đấy nhưng vẫn có dấu ấn riêng.
    Dù sao thì 'vạn sự khởi đầu nan", chẳng con đường nào bằng phẳng cả *.*

    ReplyDelete
  2. Thật ra, nếu mình là Trang: Hoặc là đăng trực tiếp bài viết này trên báo mà Trang đang cộng tác - hoặc là không làm nên cái entry này!

    Vì cái "lỡ cỡ" trên, mình chẳng thuyết phục về bài viết của bạn.

    Tôi tin là Đức Tuấn sẽ được nhiều kinh nghiệm giá trị hơn nếu như Trang đi thẳng và làm thẳng (tức là đăng báo thẳng).

    ReplyDelete
  3. Khi đưa bài viết lên blog, mình coi nó như một sự chia sẻ ý kiến với bạn bè và các bạn ghé thăm blog thôi, nên cũng không kỳ vọng góp ý hay làm được việc gì hơn cho Đức Tuấn. Nhưng rất cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này :)

    ReplyDelete