Cà phê... mưa

Cà phê... mưa, tên cuốn sách mới xuất bản đầu tháng 7 của nhạc sĩ Dương Thụ, là cuốn sách giá trị nhất mình mua được từ đầu năm, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước khi mua sách cũng không xem trước, mua vì tên của người nhạc sĩ mình yêu thích thôi, đến lúc đem sách về, đọc vài trang mới biết.

Sách được tập hợp từ nhiều bài báo của nhạc sĩ từ những năm 1990 đến nay. Một phần rất lớn của cuốn sách là câu chuyện cuộc đời, những cảm nhận và nỗi niềm của một người xứ Bắc vào Nam sinh sống. Những ký ức của mấy mươi năm cuộc đời, từ ngõ nắng và ngõ mưa ở Hà Nội, đến những con hẻm Sài Gòn, hẻm nghèo hèn và hẻm sung túc.

(Bố thấy sách mới để trên giá, đọc thử và khen hay mãi, lâu lắm rồi mới thấy bố khen một quyển sách hay).


Ở Hà Nội, nhỏ hơn phố là ngõ và có những phố nhỏ quá, tôi gọi là phố ngõ. Mỗi ngõ hay phố đều có tên gọi ta chỉ nghe một lần có thể nhớ mãi: Tạm Thương, Cấm Chỉ, Hạ Hồi, Phát Lộc, Ngõ Huyện, Yên Thái, Tạ Hiện, Sầm Công, Hàng Hành, Cổng Đục...


Còn Thành phố Hồ Chí Minh, phố gọi là đường và ngõ thì gọi là hẻm.
...

Bài học đầu tiên và cũng là thứ cần làm quen đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn. Nó ngấm dần, và cũng có đôi khi gọi nhầm phố Hà Nội thành đường, hoàn toàn vô ý thức. Có một nghìn so sánh kiểu như thế khi một người từ Bắc vào Nam sinh sống, nhưng tất cả những so sánh ấy cũng không quan trọng bằng việc người ta "cảm thấy" như thế nào.

Lâu rồi, mình không muốn so sánh nơi này và nơi khác. Đơn giản là nhập gia tùy tục, và phần nào cũng có những giá trị riêng của nó. Nhưng dù thế nào đi nữa, những người biết tôn trọng và biết giữ được phần hồn của mình, mới thật là đáng quý. Trong Cà phê... mưa, cảm thấy rõ một nhạc sĩ Dương Thụ với phần tâm hồn hoàn toàn "Bắc Bộ", từ những xúc động rất nhỏ bé, đến lối suy nghĩ và cách mà ông lưu giữ lại những ký ức của cuộc đời mình.

Hôm ở Sài Gòn ra, mình được một bà mẹ trẻ không quen biết gửi gắm đứa con trai mười ba tuổi, "nhờ cô cho cháu đi cùng, hãng người ta không cho trẻ con đi một mình". Thằng bé mười ba tuổi, (gọi nó là cháu xưng cô cũng thấy hơi ngài ngại vì nó rất chững chạc và hiểu biết), vào SG theo bố mẹ được hai năm, mùa hè nào cũng ra Hà Nội nghỉ hè hai tháng. Mình hỏi nó là ở Hà Nội hay ở Sài Gòn thích hơn. Nó trả lời nước đôi. Chẳng biết thêm vài năm nữa rồi nó sẽ trả lời mình thế nào, nhưng thấy mừng (cái mừng cố hữu và vô cùng dớ dẩn), là thằng bé vẫn giữ nguyên giọng Bắc.

Thằng bé làm mình nhớ đến hai người bạn khác. Cũng khoảng tuổi ấy, mười mấy hai mươi năm trước họ cũng từ Hà Nội vào Tp.HCM theo bố mẹ. Nhưng thằng bé mười ba tuổi năm nay (có lẽ) may mắn hơn vì mỗi năm được ra Bắc ít nhất hai lần. Chia tay ở sân bay, định xin nó số điện thoại, xong nghĩ lại thôi. Nếu có duyên thì chắc hai cô cháu sẽ còn gặp lại nhau nữa.

Cả cuộc đời trôi nổi đây đó, hắn hưởng hết mà chẳng gắn bó với một cái gì. Xê dịch và những điều chưa biết với hắn là sự sống hàng ngày. Hắn đã đi tìm mùa đông Hà Nội. Có phải khi kết thúc cuộc tìm, hắn cũng hiểu như tôi rằng tận cùng của mùa đông Hà Nội không phải là cái rét...

0 comments:

Post a Comment