Sông - Nguyễn Ngọc Tư

"Sông phải sống đời của nó chứ", không phải là câu hay nhất, nhưng là câu cứ lặp đi lặp lại nhiều nhất trong đầu mình sau khi gấp lại hơn hai trăm trang tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư.

Với Sông, và một ô cửa sổ nắng, và một cốc trà sáng mùa đông.
Mình rất ít đọc Nguyễn Ngọc Tư, thậm chí là Cánh đồng bất tận cũng chưa từng cầm tới. Vì không hợp với giọng-văn-sông-nước của chị Tư, thế thôi. Ấy vậy mà đi mua cuốn tiểu thuyết (đầu tay) này về, chỉ vì nhìn thấy thấp thoáng đâu đó trên Facebook chỉ với một từ khen "hay".

Quyết định đọc ngay trong những ngày cuối năm khi thấy có vẻ như câu chuyện lần này có bối cảnh là Sài Gòn... (Nhưng mình đúng là hâm, nghĩ sao khi ngay cái tên quyển sách đã gắn với sông rồi, mà nội dung của nó lại không có sông có nước cho được?)

Nhưng khi gập cuốn sách lại, chỉ sau một ngày đọc gần như không dừng lại được, thì thấy Sông cũng có thể đổi tên thành Đời được, hay một cái tên khác mà một bài phỏng vấn Nguyễn Ngọc Tư có nhắc đến là "Những cuộc chạy trốn", hay một cái tên khác nữa "Nghìn dặm sông", hay một cái tên khác nữa... Nói như vậy, chắc cũng đủ thấy câu chuyện của chị kể ra có nhiều góc nhìn, nhiều cách để cảm nhận.

"Sông phải sống đời của nó chứ" là câu mình nhớ. Có thể các độc giả khác sẽ nhớ nhiều câu khác. Cũng có thể vì cái góc nhìn ngày hôm nay của mình không phải là những cuộc chạy trốn, cũng không phải là cuộc du ký theo kiểu "Mekong ký sự", mà là dòng chảy của một dòng sông: người ta không thể vùi lấp đi, đảo ngược dòng của nó theo ý muốn...

Bất kỳ độc giả nào có lẽ cũng tìm thấy được một góc của mình trong mấy chục nhân vật của Sông. Một tác phẩm đầy sức nặng. Đọc xong vài ngày rồi mà đầu vẫn nặng trĩu và mênh mang chuyện sông nước, (thực chất ra là chuyện đời), tự hỏi chị Nguyễn Ngọc Tư, người phụ nữ trông giản dị và sống ở vùng miệt mũi Cà Mau ấy, lấy đâu ra vốn sống để đắp cho chừng ấy cuộc đời đi qua Sông, lấy đâu ra sự trải nghiệm để trau chuốt cho những câu những chữ - có vẻ tưng tửng tỉnh khô, nhưng hoá ra càng tửng càng tỉnh lại càng đau càng thấm như thế.

Sách vừa xuất bản hồi tháng 9 mà đến giờ đã tái bản tới lần thứ ba! Bài post này, chỉ là thêm một nét bút để ca ngợi tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thôi.



0 comments:

Post a Comment