Hành trình Burma


Chín ngày chân trần trên đất nước Phật giáo Myanmar (tên cũ là Burma), chín ngày đi qua gần 2000 km, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, đất nước Myanmar mở ra với nhiều điều thú vị về con người, tôn giáo và cảnh vật thiên nhiên.


Những điều lầm tưởng

Có rất nhiều lầm tưởng trước khi đặt chân tới đây. Rằng bao trùm lên đất nước này là bầu không khí quân đội. Rằng ở đây người ta vẫn còn dùng dial-up để truy cập Internet và Gmail, Yahoo đều bị chặn. Rằng đời sống người dân rất nghèo nàn lạc hậu, đồ ăn không ngon, kém vệ sinh và giá cả sinh hoạt thì rẻ vô cùng.
Bagan, miền đất của đền chùa và tu viện, kinh đô của vương quốc Pagan cũ, được xây dựng từ thế kỷ 9 đến 13 - Ảnh: Trangneu


Tất thảy đều chỉ là lầm tưởng. Sự thật là họ làm du lịch không đến nỗi nào, cơ sở vật chất dù còn kém ta nhưng dịch vụ thì có phần tốt hơn. Wifi không trải đầy đường nhưng cũng không đến nỗi lạc hậu và bị ngăn chặn đủ đường như lời đồn. Tuy nhiên giá cả sinh hoạt thì khá cao, bao gồm ăn uống và các phương tiện giao thông công cộng. Một số thứ đắt đến vô lý, như...áo mưa. (Vâng, raincoat, đắt gấp 10 lần ở Việt Nam). Riêng chuyện ăn uống thì món ăn của người Miến không có gì xuất sắc nhưng cũng không đến nỗi tệ, còn vấn đề an toàn thực phẩm thì nếu bạn chịu được thức ăn đường phố của Việt Nam, có lẽ bạn sẽ chẳng lo sợ bất cứ điều gì. 

Điều bất ngờ lớn nhất là thái độ phục vụ của tất cả các dịch vụ và con người liên quan đến du lịch. Sự quan tâm tận tình chu đáo mà chỉ có thể là sự quan tâm chân thành theo bản năng thì mới đạt đến mức ấy. Một ví dụ đơn giản: Bạn đang leo núi thì trời mưa. Người lái xe đứng chờ dưới chân núi không hiểu tìm được ở đâu đủ ô (dù) cho từng người và gửi một cô bé con chạy lên tận nơi đưa ô cho bạn. Có hàng chục ví dụ như thế  trên suốt hành trình Burma của tôi, và những kỷ niệm như thế đã làm ấm lòng khách du lịch và sự thiếu thốn thứ này, thứ kia chỉ còn là chuyện nhỏ.


Đất nước của đạo Phật

Ở Myanmar, Phật giáo là quốc giáo. Không giống như Việt Nam (nhất là miền Bắc), đạo Phật ở đây vô cùng gần gũi với cuộc sống của người dân. Ở những nước tôi đã từng qua có Phật giáo theo dòng Tiểu thừa, như Cam-pu-chia, Thái Lan, thì đều có sự cởi mở nhất định, chùa chiền lúc nào cũng đông vui và tưng bừng nhạc, hoa. Tuy nhiên chưa thấy nơi nào đạo và đời gần nhau như ở đất nước này.

Đền thờ Ananda ở Bagan - Ảnh: Trangneu

Một phần không nhỏ dân số là nhà sư (chưa có con số thống kê chính thức), dễ dàng gặp nhà sư trên đường phố và trong mọi hoạt động thường ngày của dân chúng. Cuối tuần người dân nô nức đi lễ chùa. Có những nơi chùa như là công viên, nơi trai gái có thể hò hẹn và các em học sinh thì có thể đem sách vở tới học bài, và cũng đừng quá nhạc nhiên trước cảnh bà mẹ cho con bú hay một người đàn ông nằm ngủ ngay trong chùa, vì cảnh này là rất phổ biến ở đây.

Hầu hết mỗi ngôi làng đều có chùa, đền, tháp và tu viện. Hơi rắc rối để phân biệt được những nơi này, đặc biệt là chùa (pagoda), đền (temple), tháp (stupa) đều là nơi thờ Phật. Riêng tu viện thì là nơi ăn ở của nhà sư. Không giống như Việt Nam (nhà sư thì sống trong chùa), nhà sư  Myanmar sống trong các tu viện. Số lượng các tu viện ở đây thì nhiều vô số và đôi khi còn được phân loại thành tu viện giành cho chuyện học hành, tu viện giành cho chữa bệnh...
Một góc tu viện Shwenandaw với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo - Ảnh: Trangneu


Đất nước của những ngôi chùa vàng

Nếu Chùa Vàng Chùa Bạc là biểu tượng của Thái Lan thì biểu tượng của Myanmar phải là rất nhiều chùa và tượng vàng. Có một câu nói khá quen thuộc với các bạn đã từng đến Myanmar là: “Người Myanmar ăn rồi chỉ mua vàng để đắp lên tượng Phật”. Hàng trăm ngàn ngôi chùa, hàng triệu bức tượng Phật trên toàn đất nước, hàng năm có hàng triệu triệu lượt Phật tử đi lễ chùa và mua vàng lá để đắp lên chùa và tượng. Ngôi chùa cổ nhất Myanmar (cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất thế giới) là Shwedagon nằm tại Yangon, có tuổi đời 2500 năm, mang trên mình 7 tấn vàng. Bức tượng Phật nổi tiếng Mahamuni tại cố đô Mandalay, cao 4 mét bằng đồng và dát vàng, qua thời gian lớp vàng dát bên ngoài bức tượng đã dày tới 6 inch (khoảng 15,2 cm).

Sắc vàng bao phủ khắp mọi nơi trên đất nước này.

Đây là một câu chuyện dài, và chỉ riêng nó thôi cũng tốn nhiều giấy mực để nói đi nói lại. Myanmar có hẳn một nghề truyền thống là nghề dát vàng lá bán cho người đi lễ chùa. Một miếng vàng lá kích thước khoảng 5x5 cm, mỏng như tờ giấy vàng mã của ta, được bán với giá khoảng 15.000 đồng Việt Nam, không biết một năm người ta tiêu thụ bao nhiêu tấn vàng để phục vụ cho chùa chiền.

Cũng phải nói thêm rằng vàng dát lên tượng và chùa vẫn bị bay hơi dần đi chứ không phải vẫn tồn tại ở đó, nên có thể xem rằng thói quen và tục lệ này khá lãng phí. Nhưng người dân vẫn tin rằng chùa và tượng được dát vàng sẽ đem lại may mắn cho họ, nên hàng nghìn năm qua, vẫn có thêm rất nhiều ngôi chùa mới ra đời và vàng vẫn tiếp tục được sử dụng cho chùa chiền.

Yongyi, rối gỗ và những chiếc xe taxi nội đô

Đó là ba thứ mà tôi chọn làm đặc trưng cho một Myanmar trong cảm nhận của mình, bên cạnh đền chùa, các nhà sư và đạo Phật.

Yongyi là bộ quốc phục của Myanmar, giành cho cả nam, nữ và còn phổ biến hơn cả áo dài của ta. “Thiết kế” của Yongyi thì vô cùng đơn giản, có thể tưởng tượng nó giống như một chiếc túi rất rộng và không có đáy, bạn mặc lên người và cuốn tròn lại, phụ nữ thì cài vạt váy một cách kín đáo còn nam giới thì cuộn phần vạt váy thừa ra thành một cuộn tròn to trước bụng. Người ta mặc Yongyi trong tất cả mọi hoạt động, từ cuộc sống thường nhật đến những buổi lễ quan trọng nhất. Yongyi thường được may từ loại vải dệt tay truyền thống của người Miến. Một người phụ nữ có thể dệt được 1-2 mét vải mỗi ngày, mà một chiếc Yongyi cần khoảng 3 mét vải. Bạn hình dung được tính chất đặc biệt của Yongyi rồi chứ?

Ngư dân vùng Inle Lake trong trang phục Yongyi và cách chèo thuyền bằng chân đặc trưng - Ảnh: Trangneu

Cũng như Yongyi, rối gỗ là quốc hồn của Myanmar. Trước kia rối là một hình thức biểu diễn chỉ được phục vụ trong cung đình, nhưng ngày nay nó đã được phổ biến rộng rãi, thạm chí có thể làm đồ chơi, vật trang trí. Một bộ rối gỗ đầy đủ của Myanmar có 28 nhân vật, được làm từ những loại gỗ đặc biệt (quy định riêng cho từng nhân vật). Người Myanmar rất biết nét độc đáo này của họ nên rối gỗ có mặt ở khắp mọi nơi, chào mời du khách.

Rối gỗ được bày bán trong một cửa hàng lưu niệm ở làng Mingun (Mandalay) - Ảnh: Trangneu

Trái ngược với hai đặc trưng mà tôi đã chọn ở trên, mang đầy tính văn hóa và truyền thống. Đặc trưng thứ ba tôi chọn cho Myanmar là một hình ảnh hiện đại cho đô thị. Đó là những chiếc taxi.

Gọi là taxi nhưng thực ra tính chất của nó giống như một chiếc xe bus. Những chiếc xe bán tải chật cứng khách, trên nóc xe, trong thùng xe, và cả đuôi xe nữa. Nhiều người trong số họ là các nhà sư với chiếc áo màu nâu đỏ quen thuộc. Hình ảnh tưởng chỉ có thể chỉ còn gặp trong các bộ phim hoạt hình thì ở đây vẫn ngày ngày qua lại rất nhiều trên đường phố.

Chín ngày khép lại với nhiều ấn tượng đẹp về đất nước và con người Myanmar. Vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa thể hiểu hết, vẫn còn những nơi chốn chưa đặt chân tới với đôi chút lưu luyến, để hẹn một ngày sẽ được quay trở lại nơi này.

Tạp chí H-Lifestyle, số tháng 10/2011


0 comments:

Post a Comment