Malacca - Giữa những dòng chảy

Malacca (Melaka) là một thành phố cổ của Malaysia, một thành phố rất thú vị bởi những khu phố cổ của người Hoa (giống như Hội An của Việt Nam), và khu phố Tây của người Bồ Đào Nha thế kỷ 15. Không quá lời khi nói rằng, thành phố này gợi nhắc cho người ta toàn bộ lịch sử thế giới trong khoảng từ thế kỷ 14 đến nay.

"Nhân chứng lịch sử" thế giới


Trước thế kỷ 14, Malacca là mảnh đất tự do và bình yên của những người dân chài. Đến cuối thế kỷ 14, một vị hoàng tử người Indonesia đã đặt tên và thiết lập đơn vị hành chính tại đây. Ngay sau đó, Malacca đón tiếp sự “ghé thăm” của Cheng Ho, nhà thám hiểm lừng danh người Trung Quốc, người được ví như Christopher Columbuscủa châu Á.

Cheng Ho đến Malacca, đem đến nhiều kiến thức và kinh nghiệm buôn bán hàng hóa, và cũng trong giai đoạn này, Malacca trở thành nơi giao thương tấp nập của các thuyền buôn lớn trên toàn thế giới. Điều này là may mắn hay bất hạnh? Bởi cùng với sự phồn vinh và thịnh vượng, Malacca cũng trở thành điểm ngắm của các nước thực dân châu Âu thời điểm đó.

Trong suốt thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 20, Malacca chịu sự cai quản của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Nhật Bản. Chỉ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Malacca mới thực sự trở về với Malaysia.
Sự phong phú về văn hóa và tín ngưỡng ở mảnh đất này là điều tương đối dễ hiểu. Hiện, bên bờ sông Malacca vẫn có tấm biển giới thiệu rằng đã có những lúc ở đây tồn tại tới 80 ngôn ngữ khác nhau!

Ngày nay, Malacca là sự hòa trộn của người gốc Malaysia bản địa, người Ấn Độ, người Trung Quốc và những người châu Âu thế kỷ 15, 16. Ở đây, bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên cùng một con đường nhỏ, nằm rải cách nhau chỉ chừng vài chục mét là một nhà thờ của đạo Thiên Chúa, một ngôi chùa Phật giáo, một đền thờ của đạo Hồi và chếch bên kia đường còn có đền thờ của đạo Hindu (!)

Masjid Kampong Kling, một trong những đền thờ đạo hồi cổ nhất ở Malaysia - Ảnh: ChouChou Lam

Thành phố của nghệ thuật

Jonker Walk là khu phố nhỏ chừng bốn, năm dãy phố, có lối kiến trúc rất giống Hội An của Việt Nam. Đây cũng có thể xem là trung tâm du lịch của Malacca, nơi tập trung hầu hết các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê hay cửa hàng lưu niệm.


Quán Bar Geographic nổi tiếng giữa trung tâm Jonker Walk - Ảnh: C_a_n_o_c

Tất cả các ngôi nhà trong dãy phố này đều xây hai tầng, xen kẽ với những ngôi nhà kiểu người Hoa là một vài mái nhà theo kiểu Hồi giáo, điều đặc biệt ấn tượng với tôi là tất cả các ngôi nhà đều được chăm chút đến từng chi tiết rất nhỏ, từ biển hiệu, hàng rào, đến những thùng thư treo trước cửa nhà…đều được trang trí thật duyên dáng. Mỗi ngôi nhà là một phong cách, một màu sắc và một cách riêng để người ta "nhận ra" nó.

Malacca cũng là nơi “bước chân ra phố là thấy bảo tàng”. Có khoảng gần hai mươi bảo tàng nằm rải rác ở khu trung tâm. Trong mấy ngày ngắn ngủi ở đây, chúng tôi cũng ghé qua được ba bảo tàng với ba chủ đề và phong cách khác nhau. 

Bảo tàng Cheng Ho được đặt trong một ngôi nhà cổ của người Hoa, để tưởng nhớ và vinh danh nhà thám hiểm Cheng Ho. Chỉ với 5 RM, bạn được một hướng dẫn viên (hình như là duy nhất ở đây) dẫn đi thăm các gian trưng bày, đưa vào phòng chiếu phim tài liệu - nơi luôn sẵn sàng đón tiếp dù bạn chỉ đi một mình - với bộ phim dài khoảng 20 phút về Cheng Ho và hoạt cảnh về đoàn thuyền của ông vào thế kỷ 15. 

Với một phong cách khác hẳn, Bảo tàng Malacca được đặt trong ngôi biệt thự cũ của người Hà Lan, khá độc đáo với nghệ thuật sắp đặt và phối cảnh giữa hình vẽ và hiện vật thật. 

Độc đáo nhất có lẽ là Bảo tàng Hàng hải, được đặt trong xác một con tàu cũ. Trong bảo tàng này, bạn sẽ được xem những  con tàu mô hình, những vật dụng và hình ảnh mô phỏng lại giai đoạn giao thương sầm uất ở Malacca vào thế kỷ 15 đến 19.

Cảnh trong Bảo tàng Hàng hải - Ảnh: C_a_n_o_c

Dấu ấn châu Âu

Chảy ngang thành phố là con sông Malacca. Hai bên sông san sát những ngôi nhà sơn trắng và mái ngói đỏ, được ví như Venice của châu Á. Bên này sông là Jonker Walk, còn phía bên kia tập trung những công trình kiến trúc còn lại từ thời thuộc địa. 

Ảnh: C_a_n_o_c

Quảng trường Stadthuy do người Hà Lan xây dựng, nhà thờ Christ Church của người Bồ Đào Nha, cả dãy phố mang màu đỏ tía rực rỡ, đã trở thành biểu tượng của Malacca. Đi thêm vài bước nữa lên đồi là nhà thờ thánh Paul và cổng thành Famosa, những công trình này do người Bồ Đào Nha và Hà Lan xây dựng, nhưng đến thế kỷ 18 đã bị người Anh phá hủy gần hết, đến nay chỉ còn lại chút ít phế tích. 

Một công trình khác cũng mang đậm chất châu Âu là pháo đài Bồ Đào Nha, cách khu phố chính chừng bốn cây số, tuy không đặc sắc bằng pháo đài cổ ở nhiều miền đất khác, nhưng từ đây bạn có thể nhìn được toàn cảnh vịnh Malacca, nơi mà xưa kia vốn là thương cảng vô cùng sầm uất.

Khu phố Portuguese Settlement nằm ngay sát biển cũng là nơi đáng để ghé thăm. Chúng tôi may mắn đến đây đúng dịp diễn ra lễ hội Festa San Pedro, là một trong hai lễ hội quan trọng trong năm của người dân ở đây. Lễ hội kéo dài 5 ngày, người ta trang trí tàu thuyền và xếp đặt các nhân vật như hoạt cảnh và làm lễ cầu an cho các ngư dân ra khơi được thuận buồm xuôi gió. Một lễ hội mang đậm màu sắc tôn giáo phương Đông, nhưng lại do các cha sứ của Thiên chúa giáo chủ trì.

Baboon House và dấu ấn Việt Nam

Vào buổi sáng thứ ba (ngày mà các cửa hàng ở đây đều đóng cửa), chúng tôi tình cờ gặp và ngẩn ngơ với một ngôi nhà được đặt tên là Baboon House. Cửa đóng, chỉ có biển hướng dẫn bên ngoài mà nhìn qua đã thấy tò mò…

Hộp thư đặt trước cửa Baboon House - Ảnh: ChouChou Lam

Vào buổi chiều cuối cùng ở Malacca, chúng tôi quyết định quay trở lại ngôi nhà này, nhưng cũng phải đến lần thứ ba mới đúng lúc cửa hàng mở cửa. Và quả là không uổng công… 

Ngôi nhà sâu hun hút vào bên trong với từng không gian, bước chân vào đó và mở từng cánh cửa, có cảm giác bạn đang khám phá những bí ẩn trong một câu chuyện cổ tích. Gian ngoài cùng là cửa hàng bày bán đồ lưu niệm, kế đến là một quán cà phê và hai khu vườn xinh xắn. Những bức tranh trừu tượng được bày xen kẽ với các món đồ khác trong nhà, và đặc biệt rất nhiều cây xanh, hồ nước nhỏ.

Chủ quán là một thanh niên Malaysia khoảng ngoài 30 tuổi, tóc dài buộc gọn sau gáy, cặp kính trắng trên mắt và chiếc quần Jeans rách, trông anh giống một ca sĩ nhạc Rock mà tôi đã gặp đâu đó ở Việt Nam. Anh kể chuyện đã từng đi du lịch ở Việt Nam một tháng rưỡi, cũng đã đi qua Đà Lạt, Huế, Hội An và Sapa. 
Điều bất ngờ nhất chính là ngôi nhà và quán cà phê này: nó được lấy cảm hứng từ Hội An! Sau chuyến đi Việt Nam năm 2006, ấn tượng với những quán cà phê ở Hội An nên anh đã về Malacca và mở Baboon House.

Một góc quán cafe của Baboon House - Ảnh: ChouChou Lam

Thời gian lưu lại đó không nhiều, ngoài những bức ảnh chụp lại từng góc quán, từng món đồ xinh đẹp, chúng tôi quên không kịp hỏi tên người chủ quán, cũng như đã không chụp lại một bức ảnh nào với anh. Một ngày chắc anh đón tiếp rất nhiều những vị khách như chúng tôi, người đến rồi người lại đi, có khi chẳng nhớ hết được. Nhưng với chúng tôi thì Baboon House đã nằm lại một phần trong những kỷ niệm về Malacca.

Sau tất cả những trầm trồ ngạc nhiên về một mảnh đất mang rất nhiều dấu ấn văn hóa từ rất nhiều vùng miền trên thế giới, sau tất cả những ấn tượng về cách người Malaysia kinh doanh du lịch, sau cả những thú vị mà các bảo tàng, các quán cà phê hay những cửa hàng lưu niệm mà Malacca đem đến, những dư vị đọng lại trong trí nhớ của tôi là cảm giác về một mảnh đất yên bình, một thành phố tuyệt vời để chạy trốn cuộc sống ồn ào (dù chỉ trong chốc lát) nhưng vẫn không rời xa với thực tại. 

Những ngày lang thang ở Malacca, tôi đã có thời gian để rảo bước thật chậm qua từng con đường nhỏ, ngắm nhìn từng nếp nhà, thưởng thức những món ăn địa phương độc đáo, để khi quay trở lại cuộc sống hối hả thường ngày, có đôi khi lại thấy lòng vương vấn…

Bài đăng trên tạp chí Open Sky - Số tháng 10/2010.

1 comments:

  1. em đã đến Melaka, nhưng đó là một ngày mưa tầm tã, thành thử ra chẳng tham quan được nhiều lắm thành phố cổ xinh đẹp này.

    Cám ơn bài viết của chị nhé! :)

    ReplyDelete