Trên Cổng trời không có hoa Anh túc

Về Hà Giang đi em

Cuối cùng thì tôi cũng đặt một chân vào cái thế giới mà bạn tôi suốt hai năm qua ăn, ngủ, và đam mê với nó. Phượt! Một từ đơn giản thế thôi nhưng có lẽ chỉ khi bạn sống cùng nó, bạn mới hiểu được hết mọi lý do vì sao người ta có thể đam mê đến thế. (Thực ra thì tôi không thích từ này lắm, không biết ai đặt cho nó cái tên này). Ngay trước giờ đi, bạn chỉ nói một câu: Trang đã mắc một sai lầm cơ bản của dân phượt là đi Hà Giang đầu tiên, giống tớ!

Bước chân đầu tiên của tôi đã đặt đúng vào một chuyến đi có thể nói là lý tưởng, ngay cả với một người “phượt” lâu năm. Hà Giang, miền cực Bắc của Việt Nam, nơi đã ghi dấu nhiều bước chân phượt nhưng bao nhiêu cũng là chưa đủ, lần này nhóm chúng tôi có 11 người, 6 chiếc xe máy, trong đó người ít thì đã hai lần tới Hà Giang (tất nhiên trừ tôi), người nhiều là năm lần. Một con số đáng để quan tâm là vì sao người ta yêu Hà Giang đến thế?

Thị xã Hà Giang cách Hà Nội hơn 300km nếu đi theo đường Quốc lộ 6, từ đó bắt đầu rất nhiều địa danh nổi tiếng và có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Từ thị xã Hà Giang lên tới đỉnh Lũng Cũ thì cũng mất thêm khoảng 150km nữa, mặt đường khá đẹp nhưng đèo dốc quanh co, vòng qua không biết bao nhiêu quả núi, càng lên cao càng hiểm trở và quanh co hơn, dù đi bằng ô tô hay xe máy thì người lái xe cũng phải rất tập trung. Nhưng bù lại, tất cả quang cảnh trong suốt chặng đường dài đó cũng đáng để người ta vượt đèo vượt núi. Núi, rừng, nước, mây, thung lũng, bản làng … trải dài trước mắt bạn, qua mỗi đoạn đường, địa hình lại có chút ít thay đổi để bạn có thể liên tục trầm trồ về nó.

Chúng tôi đã chọn một trong những cung khó nhất để đi:
Đi: Hà Nội - Tuyên Quang - thị xã Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Lũng Cú - Đồng Văn, đỉnh điểm là đường lên Lũng Cú.
Về: Đồng Văn - Mèo Vạc - Mậu Duệ - Du Già - Bắc Mê - Na Hang - Chợ Chu, đỉnh điểm là từ Đồng Văn vượt đèo Mã Pí Lèng qua Mèo Vạc và khu rừng Du Già.

Tất cả những gì bạn nhìn thấy trên phim và tranh ảnh chỉ phản ánh được một góc nhỏ của Hà Giang. Tất cả những gì tôi đang viết và sắp viết cũng chỉ chia sẻ được một góc nhỏ những cảm nhận của tôi về Hà Giang. "Đẹp" – đó có lẽ là một từ xấu xí nhất nếu bạn dùng nó để nói về mảnh đất này.

Ảnh: Đường từ Quản Bạ lên Yên Minh, khu vực này có nhiều ngọn núi nhỏ đứng thành từng cặp mà mọi người gọi đùa là "núi đôi". Một bạn trong đoàn nói: Tỷ lệ của nó chuẩn đến mức hơi lệch một tí :))




Đường từ Yên Minh lên Phó Bảng (rất gần đỉnh Lũng Cú), ảnh của một thành viên trong nhóm.



Trên Cổng trời không có hoa Anh túc


Tôi đã ám ảnh từ rất lâu trước đó câu nói này: Trên Cổng trời không có hoa Anh túc (cũng là tên một bộ phim tài liệu về Hà Giang). Quả thực, không có hoa Anh túc. Không có gì ở Cổng trời ngoài đá núi.

Sự thực là cho đến tận khi chỉ còn cách đỉnh Lũng Cú 30km, tôi vẫn mang trong mình cảm giác của chuyến đi Huế cách đây hai tháng. Có nghĩa là mọi thứ đều diễn ra đúng dự kiến, vui vẻ và tốt đẹp, nhưng riêng mình vẫn thấy thiếu một cái gì đó, không cắt nghĩa được, cái thiếu đó dù chỉ 1% nhưng có thể biến cả chuyến đi trở thành một cái gì đó mờ nhạt trong nhiều chuyến đi khác.

Nhưng cho đến khi chỉ còn cách đỉnh Lũng Cú 30km, Cao nguyên đá bắt đầu lộ rõ qua từng nhịp núi. Không có gì khác ngoài đá núi, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, dưới chân…, đâu đâu cũng chỉ có đá, không có loài cây lớn nào sống được ở đây. Đẹp? Chỉ một từ đó thôi thì không thể nói lên điều gì về Cao nguyên đá. Cảm giác về cái đẹp bị che lấp hết bởi sự cô đơn và bí ẩn của đá núi. Càng đi lên cao, càng có cảm giác rợn ngợp và thấy mình như bị hút vào theo sự cô đơn và bí ẩn đó.

Cung đường này, cả nhóm chúng tôi không có tấm ảnh này nào ưng ý. Đơn giản vì trong suốt hơn 30km đoạn đường từ Yên Minh lên đỉnh Lũng Cú đó, cả nhóm người lầm lũi đi, nín thở mà đi, không ai nói với ai một câu nào, trong cái hoang sơ và lạnh lẽo của đá.

Tôi không biết những người bạn đồng hành của mình lúc đó nghĩ gì. Còn tôi, trong một tích tắc nào đó, đã thực sự thấy mình rơi vào cảm giác hoang mang. Cảm giác đó tất nhiên nhanh chóng qua đi, nhưng quả thực là, chỉ khi đặt chân đến đây, những suy nghĩ về vùng đất xa xôi này mới rõ ràng đến thế. Về đá núi, về thân phận những con người sinh ra từ đá, chết về với đá, suốt cuộc đời họ - gia đình họ - dòng họ của họ, gắn liền với mảnh đất này. Liệu có bao giờ họ biết mình cũng cô đơn như núi đá hay không?

Đêm đó, ở Đồng Văn, đã có nhiều giấc mơ tìm đến, và tôi cũng đã nhìn thấy đá núi trong cả giấc mơ.

---------------
Ở những huyện gần thị xã Hà Giang thật ra cũng có hoa, nhưng rất ít. Những ảnh dưới đây được các bạn cùng nhóm chụp.

Hoa gạo



Hoa mận



Hoa đào (thật ra đây là giống đào Trung Quốc trồng lấy quả, nhưng hoa rất to và tươi sắc).



Đêm Đồng Văn, cà phê phố Cổ và những tiếng vọng của quá khứ


Phượt quyến rũ người ta một phần cũng vì yếu tố bất ngờ trong những chuyến đi. Bất ngờ đầu tiên đến với chúng tôi lần này là vào đêm thứ hai, sau khi từ Lũng Cú về thị trấn Đồng Văn thì cả nhóm, gồm mười một người, không tìm được nhà nghỉ. 9h tối, mọi người ăn uống xong và xác định sẽ dựng lều ở một bãi đất trống nào đó. Điện thoại từ Hà Nội gọi lên nói rằng đài báo đang có đợt không khí lạnh mới, trời sẽ có mưa và trở rét. Hứa hẹn một đêm ngoài trời co ro, điều này không phải đáng sợ lắm vì đã có dự liệu từ trước, nhưng nói chung cũng chẳng dễ chịu gì.

Hai thành viên nhanh nhẹn nhất đoàn được cử đi khảo sát cả thị trấn lần cuối xem có phương án nào khả quan hơn không. Nửa tiếng sau, họ quay lại quán ăn và đem về một tin tốt: Một quán cà phê nằm khuất sau chợ Đồng Văn đã đồng ý cho chúng tôi nghỉ lại qua đêm tại đó. Họ có phản và có … cà phê. Thế cũng là tốt rồi, nhưng điều bất ngờ xảy đến là không phải nó tốt, mà là … quá tốt!
Quán cà phê đó thực chất là một căn nhà cũ trên 100 năm, của một gia đình người Hoa, nhưng từ sau chiến tranh biên giới thì họ về nước và để lại ngôi nhà cho người Việt Nam. Căn nhà được dựng bằng gỗ và vách bằng gạch, cấu trúc hoàn toàn giống như những ngôi nhà Trung Quốc xưa mà bạn vẫn thấy trên phim. 11h cả nhóm lục tục vào đến nơi, tôi chỉ thốt lên được một câu: Ôi!

Ngay sau đó là cà phê, trà và bia, rả rích đến gần sáng, cùng với hai anh chàng ca sĩ nghiệp dư người Pháp, chủ quán và công an thị trấn cũng có mặt ở đó, thấy vui nên tham gia cùng. Đến tận gần 4h sáng, bàn nhậu mới tan và giấc ngủ mới thực sự đến với tất cả mọi người. Một ngày thật dài và có nhiều điều đáng nhớ hơn bất kỳ một ngày bình thường nào đã qua.

Điều tôi không ngờ đến nữa là một đêm cuối tháng hai, 30 năm sau Chiến tranh biên giới, tôi đã ở trong căn nhà của một người Hoa trên đất Hà Giang, mà 30 năm trước họ đã rời khỏi Việt Nam vì cuộc chiến ấy.

Ảnh: ngôi nhà cổ của người Hoa trên đất Đồng Văn, ảnh của một thành viên trong nhóm



Ảnh: cảnh chợ phiên Đồng Văn, họp vào sáng chủ nhật hàng tuần. Ảnh của một thành viên trong nhóm




Con đường Hạnh Phúc


Sáng thức giấc ở Đồng Văn, sương giăng trắng. Đi một vòng chợ phiên sáng chủ nhật rồi lại quay về nhẩn nha ở ngôi nhà cổ. Ngồi trên ban-công, uống chén trà mạn, rồi bốc phét và nói bậy, thấy cuộc đời cũng lắm sự hội ngộ thú vị.

Con đường phía trước còn rất dài, mọi người hơi căng thẳng khi nhận được tin hai người (một xế, một ôm) thuộc một nhóm phượt khác trên Box Du lịch (TTVNOL) đã gặp tai nạn trên đường đi Cao Bằng. Nhưng kế hoạch vẫn được giữ nguyên. Điểm tiếp theo sẽ là đỉnh đèo Mã Pí Lèng và một đoạn bi tráng nhất của Con đường Hạnh Phúc, để tới huyện Mèo Vạc.

Mã Pí Lèng là một trong những đỉnh đèo cao nhất Việt Nam. Từ trên đỉnh, vào những ngày đẹp trời người ta có thể nhìn thấy dòng Nho Quế bên dưới, chảy cắt ngang hai ngọn núi. Rất tiếc là ngày hôm đó chúng tôi đi, trời mưa và mây mù dày đặc, cộng với tinh thần tập trung cao độ vào con đường nên quang cảnh hai bên đã không thể hiện được hết vẻ đẹp của nó.

Có lẽ bạn tôi vào thời điểm đó đã rất hồi hộp và cảm động khi xe chạy qua đèo. Đây cũng chính là một đoạn bi tráng nhất của Con đường Hạnh Phúc mà bạn từng kể:

Các tài liệu chính thống cho biết: hàng vạn lượt người, trong 8 năm ròng (từ năm 1959 đến năm 1965), đã tay búa tay choòng phá đá một cách thủ công nhất, trong thời gian lâu nhất với 2 triệu ngày công, để mở gần 200km đường ôtô vào Đồng Văn – Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà tự thuở hồng hoang đến năm 1965 vẫn có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ.

Con đường được khởi công ngày 10/9/1959, bắt đầu Km số 0 ở cầu Gạc Đì, rìa thị xã Hà Giang; bắt đầu những ngày lao động xả thân, với những gian khó và hy sinh, mà chính những người chỉ huy và thi công không thể ngờ được.

Lưu lượng lúc nào cũng là 1.000 thanh niên xung phong (TNXP) và khoảng 1.000 dân công nghĩa vụ. Họ “làm ngày làm đêm, làm thêm tý gà gáy”, “luyện tay thành chai, luyện vai thành ụ” để phá đá. Cả công trường chỉ có 2 cái ôtô tải cũ làm phương tiện, không một máy khoan hay bất cứ dụng cụ hỗ trợ hiện đại nào.

Chỉ có phương pháp thủ công: một tay nhét choòng (như cái xà beng 8 cạnh) vào, một tay cầm búa, nện xuống để đục lỗ trên các vỉa đá. Rồi nhét thuốc nổ vào, đánh vỡ các phiến đá. Khiêng đá lên, đập đá, xếp thành con đường có bề rộng 4,5m cho ôtô lăn bánh. Ngày nọ qua ngày kia, năm nọ qua năm kia, hàng nghìn người tiến từng xăng ti mét phá đá tiến dần suốt 8 năm mới vào đến Mèo Vạc.

Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc hai mươi bốn cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng (chiết tự ra là Xống – mũi - ngựa) này thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục mìn, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại.

(Trích: Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam – Báo Tiền Phong).

Chúng tôi đã đi qua con đường bi tráng đó vào một buổi sáng đầy mây mù, không tránh khỏi những suy nghĩ về những con người đã làm nên lịch sử. Người ta nói sức người có hạn, nhưng không phải, sức người quả là vô hạn.

Ảnh: Con đường Hạnh Phúc từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Ảnh của một thành viên trong nhóm



Ảnh: Dòng sông Nho Quế chảy bên dưới đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh của một thành viên trong nhóm




Triết lý Phượt!

Đường đi rất dài và mệt, ngồi sau tất nhiên không phải tập trung bằng người lái nhưng độ mỏi thì cũng không kém. Nếu không nghĩ ra một thú vui nào đó trên đường đi thì rất nhanh oải. Cuối cùng thì thú vui của tôi là … nghĩ. Cũng không có gì khác ngoài việc nghĩ về chuyến đi đang diễn ra và tôi nhặt nhạnh nó lại thành vài điều, tạm gọi là Triết lý phượt!

1. Biết trước cũng không giàu

Mọi người thường hay nói với nhau câu: Biết trước thì đã giàu. Nhưng đôi khi biết trước cũng không giàu. Sau khi ở Lũng Cú về Đồng Văn, chúng tôi không về theo đoạn đường đã đi những hôm trước, mà chạy qua đỉnh đèo Mã Pí Lèng và Con đường hạnh phúc, về Mèo Vạc, qua Du Già (một khu rừng xếp vào diện bảo tồn của quốc gia), rồi đi tiếp về Bắc Kạn, Tuyên Quang. Biết chắc chắn là khó đi hơn, thậm chí có người còn dặn cả nhóm trước đó là nếu trời mưa thì nhất định không nên đi đường đó, vì sẽ rất vất vả. Kết quả là cả một chặng dài chừng 75km chỉ toàn đường off-road. Tạm miêu tả là đá hộc kết hợp với bùn nhão dưới chân do trời vừa mưa đêm hôm trước, vẫn là đường đèo núi hiểm trở, cộng với mây mù dày đặc và đôi khi có mưa. Rất nhiều đoạn cả xế và ôm chỉ biết nín thở mà đi và nhìn về phía trước.

Như vậy là biết trước cũng không giàu. Nhất là khi bạn có máu phượt.

2. Đừng vội hát tình ca

Không hiểu sao trên đường off-road, thỉnh thoảng lại có một đoạn trải nhựa, phẳng và rất đẹp. (Chúng tôi gọi là đường khuyến mại). Nhưng rất nhiều khi hí hửng chưa được bao lâu thì đã bị rơi vào một đoạn đường còn “nhục nhã” hơn những đoạn trước. Tất cả mọi cái chết đều do chủ quan, và tốt nhất đừng bao giờ vội hát tình ca.

Câu nói đó một lần nữa lặp lại ở chặng Na Hang (Tuyên Quang) về Chợ Chu (Thái Nguyên). Khoảng 40km đường off-road trong bóng đêm mịt mù, vẫn còn may là không có bùn nhão mà chỉ có đá hộc và sỏi.

3. Đời người như một chuyến đi

Ở chặng Na Hang – Chợ Chu như đã nói ở trên, đi được gần 20km trong gần 2 tiếng đồng hồ thì chúng tôi gặp một doanh trại quân đội. Lúc đó đã qua 9h tối, doanh trại chặn đường và nếu theo đúng nguyên tắc thì chúng tôi phải … quay lại. Anh lính gác đứng đó bảo chúng tôi: những gì các anh chị vừa đi qua cũng đã là thấy bà ngoại rồi, giờ mà có đi tiếp thì còn thấy bà nội.

Ai bảo chúng tôi chọn con đường này? Đi tiếp hay quay lại cũng đều khó như nhau. Chúng tôi quyết định đi tiếp.

Tôi bất chợt nghĩ đời người cũng như phượt. Ở đoạn Na Hang – Chợ Chu này, hay trước đó là Mậu Duệ – Du Già, dù biết khó nhưng chúng tôi vẫn đi. Ai đó sẽ nói chúng tôi dại, hoặc điên. Đi đến giữa đường, ở những đoạn khó nhất, cũng có lúc chúng tôi nghĩ mình dại thật. Nhưng nếu không dại, không điên, làm sao chúng tôi biết đến những vùng thung lũng đẹp như tranh, những hồ mây trên núi, làm sao biết cảm giác vượt qua khó khăn sẽ thế nào…? Ồ cuộc đời, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn con đường của mình, điều quan trọng là bạn hài lòng với sự lựa chọn đó.

--------------
Ảnh: Mẹ con người H'Mông (ở Hà Giang, những người H'Mông sống tại đây chủ yếu là nhánh H'Mông hoa)



Ảnh: Thung lũng giữa hai núi, một cảnh bình yên rất thường gặp trên đường đi. Ảnh của một thành viên cùng nhóm.




Ảnh: Đi thuyền trên Sông Gâm, một đoạn đường ngẫu hứng không có trong kế hoạch. Đoạn từ Bắc Mê (Bắc Kạn) tới Na Hang (Tuyên Quang), người dân địa phương khuyên không nên đi đường bộ vì 1 người đi sẽ phải có 3 người đẩy xe! Đi thuyền thì mất 60km và hết 4 giờ đồng hồ.



Và cuối cùng là seri ảnh ghi lại đoạn đường off-road 75km trong Du Già. Đây là những đoạn dễ đi nhất nên các bạn mới tranh thủ bấm máy, còn lại những đoạn khó thì giữ cho xe không ngã là giỏi lắm rồi.



--------------

Chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp, không có sự cố nào lớn xảy ra. Có những điều đến với tôi ngay khi đang ở trong chuyến đi, có những điều chỉ khi trở về, và ngẫm nghĩ - mới thấy thấm. Một chuyến đi có thể sẽ làm tôi thay đổi một vài suy nghĩ, một vài cách tiếp cận vấn đề. Một chuyến đi gặp được nhiều người bạn mới và thú vị. Một chuyến đi tuyệt vời và để lại nhiều kỷ niệm đẹp.

Hà Giang, mong có ngày trở lại.

0 comments:

Post a Comment