Những suy nghĩ phía sau The Reader



Tôi nói "The Reader" là bộ phim đáng xem nhất trong loạt phim đang tranh cử Oscar 2009. Mặc dù còn một số phim chưa xem (Milk, Frost/Nixon), nhưng tôi không nghĩ Milk hay Nixon có thể để lại nhiều dòng suy nghĩ như The Reader.

Phim dài 2 tiếng. Nửa đầu phim kể về mối tình tréo ngoe và nhiều ẩn ức của một người phụ nữ trung niên (Kate Winslet đóng), và một chàng thanh niên mới lớn (David Kross đóng). Những hình ảnh nóng bỏng giữa hai người trong nhiều phân đoạn của một tiếng đầu tiên gây ấn tượng mạnh với người xem, nó cũng giống như những ấn tượng và ký ức của hai nhân vật về nhau trong suốt cuộc đời họ. Tôi nghĩ phần đầu của phim có giá trị nhấn mạnh sợi dây tình cảm gắn kết giữa hai con người này, dù mong manh nhưng vô cùng bền bỉ.

Nửa sau của phim mới là chủ đề chính và có nhiều điều đáng suy nghĩ. Nhân vật nữ của Kate, người đã từng là nữ quản tù của phát xít Đức, bị kết án chung thân vì những tội ác mà cô và đồng nghiệp gây ra trong chiến tranh (mặc dù trên thực tế, cô không phải là người trực tiếp gây ra cái chết cho những tù nhân, và cô đang chịu tội thay cho những đồng nghiệp khác). Trong suốt cả phần sau này, bộ phim một mặt thể hiện sự day dứt và ám ảnh của người thanh niên - giờ đã trưởng thành, một mặt thể hiện thái độ đối với nữ quản tù kia - nay đã bị kết án, một tâm trạng bao trùm lên toàn bộ phim là thương cảm, thông cảm. Nhưng cái chết là cái chết, nhân vật của Kate nói: Dù sao thì cũng phải có người đền tội.

...

Tôi xem phim này đúng vào dịp Tết, nó không đem lại những tâm trạng như hồi hộp, xúc động, trìu mến, sợ hãi, nó không tạo ra một giọt nước mắt nào, hay một nụ cười dù chỉ là chia sẻ. Nhưng nó để lại nhiều suy nghĩ về con người, tình yêu, tội ác, thân phận của mỗi cá nhân trong một bối cảnh lớn. Bộ phim (hay nói chính xác hơn là tiểu thuyết The Reader mà nó chuyển thể) có một cốt chuyện cực kỳ phong phú nhưng logic, trong một khoảng thời gian dài, và đặt ra nhiều vấn đề lớn.

Diễn xuất của các diễn viên hầu hết đều xuất sắc, đặc biệt là Kate Winslet đảm nhiệm nhân vật nữ chính từ khi ngoài 30 tuổi cho đến khi về già. (Thật đáng ngạc nhiên khi so sánh với Kate của Revolutionary Road, mặc dù đóng hai phim gần như cùng giai đoạn, vẫn là gương mặt đó của Kate nhưng hai sắc thái và hai tính cách hoàn toàn khác nhau). Kate thể hiện gần như hoàn hảo một con người chứa đầy những bí mật và ẩn ức (mà đến phần hai của phim, người ta mới hiểu lý do tại sao).

Phim nhận được 5 đề cử Oscar của năm nay (Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc, Quay phim xuất sắc). Nhưng gần đây bộ phim nhận phải sự phản đối quyết liệt từ một số nhân vật có ảnh hưởng tại Mỹ:

Tuần trước, Ron Rosenbaum, tác giả cuốn sách nổi tiếng Explaining Hitler về tên trùm phát xít Đức, đã tuyên bố tác phẩm điện ảnh này hoàn toàn sai sự thật, là “bộ phim về phát xít Đức tồi tệ nhất trong lịch sử”. Ông đã kêu gọi Ban giám khảo Oscar tẩy chay bộ phim. Quan điểm của ông đã nhận được sự ủng hộ từ Mark Weitzman, phụ trách Trung tâm Simon Wiesenthal chuyên tìm kiếm những tên tội phạm Phát xít Đức có trụ sở ở New York. Weitzman cũng nhận định The Reader là một trong loạt phim Hollywood “mang tội” với những nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái dưới thời phát xít Đức.


Tấn công trực tiếp về nhân vật của Winslet trong phim, ông Rosenbaum cho rằng The Reader "buộc chúng ta phải đồng cảm với kẻ giết người không một chút ân hận”.


Ông Rosenbaum đưa ra những lời lẽ chua cay về việc đưa The Reader vào danh sách đề cử Oscar Phim hay nhất. Ông nói: “Ta phải câm, điếc, mù, chứ không đơn thuần chỉ là mù chữ, để không thấy những gì mà nhân vật của Kate Winslet từng làm trong vai trò người quản tù tại trại Auschwitz. Tại sao ta lại phải câm như hến khi các nhà bình chọn Oscar đề cử The Reader chỉ vì đó là phim về nạn tàn sát người Do Thái của phát xít Đức".

(Trích Thể thao & Văn hóa).

Không có gì ngạc nhiên đối với những phản ứng và luận điểm mà "phe đối lập" của The Reader đưa ra. Nhưng một lần nữa, chính nó lại giúp cho tác phẩm càng khẳng định thêm một điều: Chiến tranh quá đau đớn. Chiến tranh và Cái chết có lẽ là điều đau đớn nhất trên thế giới này, và - dù với bất kỳ lý do nào - người ta cũng không thể tha thứ.

Nếu đã từng xem phim, có thể bạn sẽ nhớ chi tiết này: Người phụ nữ là nạn nhân đã từng sống trong trại tập trung lúc nhỏ, khi lớn lên đã trở thành một người giàu có và thành đạt, khi nghe kể lại câu chuyện của nữ tù nhân bị kết án, bằng sự xúc động và tràn đầy tinh thần chia sẻ từ phía người kể (nhân vật nam chính), thì người phụ nữ kia vẫn không mảy may xúc động, không mảy may thương cảm hay bất ngờ. Cũng chỉ bởi một điều: Chiến tranh (và Tội ác) mà bà chứng kiến đã quá khắc nghiệt.

Vì thế, việc nhận những phản ứng tiêu cực từ một số người xem có lẽ cũng đã là điều định liệu trước của những người dựng The Reader.

0 comments:

Post a Comment