Bí ẩn của định mệnh

Nói về tai nạn thương tâm xảy ra với gia đình Lưu Quang Vũ, người ta thường nhắc tới hai từ: định mệnh. Định mệnh khiến tai nạn xảy ra. Định mệnh khiến họ đi xuống Hải Phòng bằng chiếc xe com măng ca - loại xe chỉ có 2 băng ghế đặt dọc thân xe. Định mệnh khiến gần tới cầu Phú Lương, Vũ chuyển lên ngồi ghế trước trong khi mẹ con nhà thơ Xuân Quỳnh ngồi một bên băng ghế. Để rồi, cách tai nạn diễn ra đã dồn hết tai họa lên đầu gia đình anh…

Loạt bài cảm động về những ngày cuối cùng của gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, đăng trên Thể thao & Văn hóa - kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh (29/8/1988 - 29/8/2008).

Một cách rất tình cờ là tớ đang google về một vấn đề khác, vô tình lạc vào trang online của Thể thao & Văn hóa và đọc được loạt bài này.

Thật ra những dấu ấn về Lưu Quang Vũ chỉ được truyền lại từ bố mẹ và báo chí, nó gắn liền với những ngày tháng khó khăn nhất của đất nước và của mỗi gia đình. Ấn tượng đủ mạnh để đến tận hôm nay, khi đọc loạt bài này vẫn còn thấy xúc động. Kỷ niệm trực tiếp với kịch Lưu Quang Vũ thì có hai lần: một lần xem Tôi & Chúng ta (hình như ở Nhà hát lớn) và một lần xem chèo Nàng Sita (hình như ở rạp Hồng Hà), cả nhà đi xem nhưng mình toàn ngủ gật - vì có hiểu gì đâu. Sau này nghe bố mẹ kể lại, hồi đó cơ quan xí nghiệp nào cũng phải cố gắng sắp xếp được cho CBNV của mình đi xem Tôi & Chúng ta. Tưởng tượng lại thì thấy đó là một quang cảnh thật ấn tượng, ở thế hệ của chúng ta bây giờ, chắc sẽ không bao giờ có lại được cái việc cả xã hội, cả cộng đồng xôn xao lên như thế (giờ nếu mà có việc xăng giảm còn 10 nghìn/1 lít thì may ra…), mà nhất là lại xôn xao về một vở kịch.

Ngày 31/8/1988, những lễ tưởng niệm vợ chồng Lưu Quang Vũ nối nhau được tổ chức tại các chi hội VHNT trên toàn quốc. Tại Hà Nội, gần như toàn bộ giới sân khấu thủ đô đều có mặt tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo. Và trong dòng người lặng lẽ đi theo thi hài của vợ chồng Vũ, có rất đông người chưa một lần gặp anh ngoài đời. Họ chỉ là những khán giả bình thường. Thậm chí, là những người làm cái nghề mà thời ấy người ta gọi bằng “phe vé”

Sau thế hệ kịch Lưu Quang Vũ, tức là khoảng những năm học cấp 1, cấp 2 - khi bắt đầu biết đọc biết viết rồi - thì tớ khá quan tâm đến kịch Việt Nam, đúng hơn là kịch Bắc. Thời đó thì chẳng có gì để gọi là giải trí ngoài truyện, báo và TV. Xem kịch cũng là qua TV, nhưng vẫn còn nhớ rất nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi danh thời đó. Luôn có một cảm giác xúc động khi xem họ diễn, ấn tượng nhất là những vở kịch về đề tài xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, hay là kịch về các chú bộ đội… Giờ nghĩ lại thì thấy, sự xúc động đó có được vì sự chân thật và cống hiến, là kết quả lao động thực sự của mỗi diễn viên.

Bây giờ thì tớ không còn đủ thời gian cho kịch nữa, nhiều khi có thời gian nhưng cũng không đủ kiên nhẫn để xem diễn viên trên sân khấu, không hiểu sao thấy họ hời hợt hơn, nhạt nhẽo hơn, … Người ta bảo kịch Bắc bây giờ thoái trào rồi, một thời sân khấu phía Nam phải luôn học tập, ngưỡng mộ kịch Bắc, bây giờ thì họ đã tìm được lối đi riêng của mình, có khán giả riêng, còn kịch Bắc cứ loanh quanh mãi, và hoài niệm về một thời xa vắng…

Loạt bài viết tưởng niệm 20 năm ngày mất của gia đình Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh:
Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 1)
Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 2)
Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 3)
Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 4)

—-
Ảnh: Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa)


0 comments:

Post a Comment