Vào Nam ra Bắc

Từ hôm ở Sài Gòn ra, ai biết chuyện cũng hỏi: Đã quyết định chưa. Em chỉ cười trừ. Biết nói sao bây giờ nhỉ? Có lẽ nên im lặng thì hơn.
Những ngày đầu năm, nhưng lại là cuối năm AL, gần Tết, nên cái sự gấp gáp lại càng tăng thêm khi vẫn còn nhiều việc chưa làm được, những bối rối trăn trở của bản thân, và những nỗi buồn đâu đó từ cuộc sống xung quanh, khiến cho cảm giác bùi ngùi lại càng tăng thêm. Chiều nay nếu trời lất phất mưa bay, thì có lẽ sẽ làm nên một chiều 30 sớm.
Đợi bạn cà phê, một mình nghe George Winston trong văn phòng vắng, lang thang qua các blog, tình cờ đọc được bài của anh Ki-en. Nao nao nhớ, bâng khuâng buồn, …
————————
Mình ra Bắc bao nhiêu lần rồi nhỉ? Mình không nhớ. Thiên hạ vào Nam ầm ầm, mình lại cứ đi ra Bắc.
Ừ thì mình lại đi ra Bắc đấy. Mình có 1h để gấp vài bộ quần áo, bỏ vào túi đôi giày, bít tất, cà vạt, áo vest. Mình bỏ thêm ví tiền, máy ảnh vào ba lô, và thu dọn laptop, nhét thêm vài gói sing-gum vào cái ngăn cặp bé bé, mình ra sân bay.
Ở nhà ga, mình sẽ ngồi ở đó, chỗ hàng ghế thứ 2 nhìn ra cửa số 7-8-9 có những cô tiếp viên mặc áo dài xanh đỏ, gần cái ti vi màn hình LCD cỡ khoảng 50 inch. Mình ngồi xem tivi, nghe nhạc, hoặc online, hoặc có thể mình gọi thêm một lon coca cắm vào cái vòi hút nữa. Hút xong tất nhiên mình sẽ bóp méo cái vỏ hộp màu đỏ, bỏ vào thùng rác. Mình chờ bay.
Những ngày đầu mới vào Nam, mình ít được ra Bắc. Mỗi lần ra Bắc là thấp thỏm mong ngóng, đợi chờ, chuẩn bị trước cả chục ngày. Ra Bắc mình gọi là về nhà. Mình đếm dần những tờ lịch, đợi ngày về. Vé máy bay cũng đặt trước cả chục ngày, nằm ngóng đợi trong ngăn cặp… Hồi ấy, lần ra Bắc nào cũng là cuối năm, càng nôn nao cảm giác muốn về nhà. Cuối năm ở miền Nam có hoa mai vàng nở, hoa mai vàng nở chơi chơi đến hẹn lại lên thế, nhưng cũng làm ý nghĩ con người ta rưng rưng lắm. Đường ra sân bay cũng ngờm ngợp những hoa mai vàng, như chớm nắng đậm dần trong những cảm động thân thuộc. Cuối năm ở nhà ga người ta cũng chia tay nhau đậm đà, cảm động như hoa mai, khóc như hoa mai, và ôm nhau ấm áp như hoa mai. Mình không chia tay ai, mình lẻ loi thôi, mình đứng ở sân ga, kéo theo cái vali lỉnh kỉnh quà cáp, và mình đang đi về phía sum họp. Mình không mang theo hoa mai, vì mình đi về phía hoa đào…
Mình ra Bắc tất nhiên rồi mình lại vào Nam. Những chuyến đi nhiều lên dần, cảm xúc lại loãng dần. Ngày đó, trước mỗi chuyến đi mình hay có những dự định, rằng mình về mình sẽ làm điều này điều kia, sẽ mang cái gì, sẽ gọi cho ai, sẽ gặp ai, sẽ đi với ai. Và mình về thì việc X, Y, Z hẳn sẽ thế này, người A, B, C hẳn sẽ thế kia lắm lắm. Nhưng sự thực đôi khi khác đi nhiều quá. Rồi chẳng hiểu sao cứ rơi cứ rụng cứ đi cứ thất vọng hụt hẫng dần dần. Có những điều chẳng hiểu sao chỉ mãi nằm trong ý nghĩ. Có những điều chẳng bao giờ xảy đến, dù không có lý do nào trì hoãn. Hiện thực và mộng mơ đôi khi không có gì mâu thuẫn, nhưng khó tìm thấy tiếng nói chung, trong những thời điểm nhợt nhạt. Rồi những bận rộn, lo toan, những vô tâm và thờ ơ, những ý nghĩ không đồng điệu…
Và rồi mình đi qua. Mật độ những chuyến đi dần dày lên, dần nhiều lên, thành những cuộc đi lại bình thường. Cuối năm hoa mai vẫn nở quá nhiều, người ta mang hoa mai ra Bắc. Mang hoa đào vào Nam, hai miền đang ở trong thời kỳ xâm thực nhau rõ rệt, ăn nhau từng miếng ngon lành. Ngay cả trên những áo quần, những âm sắc giọng nói… Những lần sau mình chẳng mang theo quà cáp, chẳng chuẩn bị những lỉnh kỉnh thùng to cặp nhỏ. Mình cũng chẳng nói với ai mình sẽ ra, sẽ vào. Mình ngại mang đồ giùm người ta. Ngại cả mang đồ cho chính mình, cho người thân. Mình đánh mất dần những dự định đi về. Bây giờ thì mình vào Nam ra Bắc nhiều quá rồi, mỗi năm mình giữ vài chục cái cuống vé khứ hồi. Những chuyến đi chẳng còn nhiều cảm xúc. Trong mình giờ lúc nào cũng rục rịch tâm thế di chuyển, xê dịch. Mình hở ra là đi, hở ra là về. Mà thật ra, ra Bắc hay vào Nam bây giờ mình chẳng còn muốn định nghĩa xem thế là đi hay về nữa.
Người ta bảo vào Nam bây giờ chỉ là để kiếm tiền, rồi lại về, rồi lại ra Bắc. Trước mình cũng nghĩ thế, mình cũng như bao người, mình mới ra trường, mình máu lắm, mình bảo bố mẹ, bảo bạn bè rằng vào Nam kiếm ít tiền rồi ra. Ít tiền là bao nhiêu, hồi ấy mình định lượng được. Nó đơn giản là trong một hai năm gì đấy, mình sẽ kiếm được vài chục triệu, mình mua được một cái xe máy của riêng mình, rồi mình tếch ra với thầy bu, với những người mình còn chứa chan hi vọng. Bây giờ mình không còn định lượng được thế nào là ít, thế nào là nhiều. Nhất là tiền, thứ nữa là tình, tình càng khó đong đếm. Đôi khi mình nghĩ vài chục triệu, vài trăm triệu hay hơn nữa của mình đã là nhiều, có khi lại ngộ ra ồ vài trăm giờ ít quá, cũng chả làm nên trò trống gì. Còn nhiều những cái mình không đếm được, chưa đoán được. Chút cổ phiếu mọn của mình thực ra sẽ thu về được bao nhiêu? Số tiền mình đang mong đợi từ “job” này thực ra sẽ thế nào? Lương cả năm mình được bao nhiêu? Túm lại là càng nghĩ đến càng thấy ít. Mình nhìn lên những khu phố mới cao tầng, những ngôi nhà mới xây, những chung cư hiện đại, những quán cà phê sang trọng đậu đầy xe máy xịn, những bãi đỗ đầy xe hơi hiện đại, ôi lại càng thấy ít, quá ít. Mình phải làm gì bây giờ. Thiên hạ nhiều tiền thế. Mà mình vẫn cứ ra Bắc vào Nam… Tiền ở Bắc nhiều hơn hay ở Nam nhiều hơn???
Vào Nam hồi ấy còn là một chuyến phiêu lưu bốc đồng của tuổi trẻ. Mình thấy mình cứ cả cuộc đời quanh quẩn ở Bắc cũng chán. Thế là đi, đi như tự nhiên thôi, chẳng lăn tăn suy nghĩ… Bạn bè mới ra trường, tìm việc loay hoay đến cả 2- 3 năm trời, thậm chí cả sau khi mình đã đi từng ấy năm. Mình muốn đi, xem những tên thành phố, con đường, những nơi mình đã từng nghe nói mà chưa từng đặt chân đến. Mình dại khờ như một con cá, mình muốn thả mình vào một thành phố khác, lối sống khác, sống và xem người ta sống như thế nào. Nó có hay hay dở hơn những cái đã từng ngấm vào mình, gắn bó mật thiết với mình hai chục năm kể từ khi mình ra đời hay không. Ý nghĩ này giờ vẫn lặp lại khi mình nghĩ về những nước khác, những châu lục khác, đại loại như Trung Quốc, Châu Âu hay Châu Mỹ chẳng hạn… Túm lại là mình có máu ngao du chơi bời đấy. Giờ mình vẫn thế. Túm lại là mình thấy mình vẫn còn quá trẻ để đi… Tệ nhỉ, sắp ba mươi có người quả quyết mình quá trẻ. Mình chỉ chưa dám quả quyết đàn ông ba mươi có còn quá trẻ để đi, để yêu, hay để… cưới không nữa? Mình có thể sẽ phải đi gặp một cô gái, và ghé tai cô ấy mà hỏi rằng: “Anh có quá trẻ để đi, anh có còn trẻ để … yêu em và cưới em nữa không?”. Cô ấy rồi sẽ trả lời thế nào nhỉ? Cô ấy sẽ cười khúc khích, khẽ ngả đầu vào vai, sẽ dí ngón trỏ vào trán mình một cái rồi bảo: “Anh già lắm rồi, hết date rồi”, sau đó cười khúc khích? Hay là cô ấy khinh khỉnh quay đi, rồi cười thầm, hoặc cười khẩy, rồi nghĩ bụng “bố cái thằng dở hơi”?
Cuộc viễn du của những miền ánh sáng đầu tiên. Thế rồi mình chết dí trong này. Trước mình gọi Vũng Tàu là Vũng Lầy. Loay hoay khỏi vũng lầy mình đánh tõm một phát với Sài Gòn. Ở Sài Gòn đấy mà lúc nào mình cũng dọa dẫm chính mình, dọa dẫm tất cả. Rằng mình về HN đấy, mình đi đấy, mình đi du học đấy. Liệu hồn. Mình ăn ở với Sài Gòn như gái chê chồng, lúc nào cũng hững hờ vờ vật, lúc nào cũng đồng sàng dị mộng, vẫn mơ về thằng người tình rách rưới cũ. Thằng người tình chỉ chăm bẵm nàng bằng ý nghĩ, bằng hoài niệm mơn man, chứ chả gửi cho nàng xu mốc nào. Trong khi nàng ăn bằng cơm SG, ngủ bằng giường đệm SG, giải trí bằng cà phê quán xá nhà hàng, diện thời trang SG, và hàng đêm thằng SG vẫn hùng hục leo lên mà làm cho nàng sung sướng quằn quại. Chỉ những lúc ấy, khi đêm về đen ngòm ấy, HN mới đi ra khỏi ý nghĩ của nàng, để nàng ngủ vùi trong những khoái cảm mê man.
Đấy, mình lại ví von lỗ mãng rồi đấy. Mình thấy mình cần phải tế nhị lại một tí. À mà mình đang nói về chuyện ra Bắc nhỉ. Gần đây, mình hay nhận thêm một câu hỏi nữa, rất đau đầu, rất thời sự, rất nhân văn, rằng mình có ra Bắc lấy vợ hay không? Rằng mình thích lấy vợ Nam hay vợ Bắc? Rồi cứ đi ra đi vào thế thì khi nào lấy vợ. Mình ở Bắc, người Bắc gặp hỏi: ra lấy vợ đấy à? Mình ở Nam, người Nam bảo: lại đi Bắc à, ra lấy vợ phải không? Nếu quả những câu hỏi ấy đều được mình trả lời rằng đúng, thì có lẽ mình phải cưới đủ một trăm cô mới đủ để trả lời những ai quan tâm. Rồi những người ở Bắc khác lại than thở: nó thành người Nam, nó yêu gái Nam, nó lấy vợ Nam rồi. Trong khi những người ở Nam lại bảo: chắc là nó vẫn yêu gái Bắc, vẫn có một / mấy mối ngoài ấy. Chán thế chứ lị. Trong khi mình thực chẳng biết mình muốn gì. Mình đôi khi còn tự hỏi rất ngớ ngẩn rằng không biết gái Bắc và gái Nam gái nào xinh hơn, gái nào sâu hơn (ý mình là sâu sắc í )? Bố mẹ mình thì nói một câu rất vô trách nhiệm rằng: muốn lấy ai thì lấy . Đấy, bố với chả mẹ, vô tâm dã man. Đã thế cưới cbn một quả máy bay bà già cho biết mặt. Ờ mà nói thế chứ, bố mẹ mình làm thế cũng hay. Tuy phải trả lời câu hỏi đau đầu tí, nhưng còn hơn những thằng bạn mình toàn bị đau… đít. Vì chúng bị bố mẹ ép uổng quá, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, mà lại toàn đặt vào cọc nhọn, ngồi muốn lòi mông. Thế nên mình muốn làm gì, muốn đi đâu đều được. Tự do, tự quyết, tự tính toán, thích vào Nam ra Bắc gì thì ra. Xét cho cùng thì bà già mình, cái bà mà vẫn thỉnh thoảng nói ngọng “vào Nam” thành “vào Lam” ấy cũng hiện đại chán, cởi mở (một cách vô trách nhiệm) chán. Hơn đứt những bà mẹ khác nhiều.
Bao nhiêu lần vào Nam ra Bắc nữa thì mình sẽ già. Bao lần đi về nữa thì mình mỏi mệt. Tất nhiên sẽ có lúc mỏi mệt chứ. Mình nhớ ông Trịnh Công Sơn đã viết: “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” mà. Đời người ai rồi cũng phải đi qua từng ấy con đường, từng ấy trạng thái, từng ấy giai đoạn. Ông Sơn ngộ ra sớm, rồi cũng ngỏm sớm. Mình hi vọng đến 80 tuổi lúc ấy mới ngộ ra đôi điều, để mà rằng, ô, đời là thế. Còn giờ thì mình cứ hồn nhiên thôi. Đi hay về thì mãi rồi cũng đến đâu đó, cũng ngâm nga như mấy câu thơ trong Mùa Lạc (Nguyễn Khải) thế này:
Về là về cửa về nhà
Một trăm năm nữa mới đà về quê
Mình lại chuẩn bị ra Bắc. Mình bay hai chuyến mới viết xong bài này. Bài này là bài cuối năm. Cuối năm mình lại thấy loáng thoáng mai đào đâu đó. Tết nhất lại sắp đến rồi. Sân ga vẫn nhiều người đi kẻ ở. Cuộc đời là những chuyến đi. Đi mà vui, đi mà buồn, đi mà thấm. Mình thấy mình như con tàu ấy. Lần đi (về) này, mình sẽ đi vào mùa xuân…
Vào Nam, ra Bắc, đâu cũng có mùa xuân cả!

0 comments:

Post a Comment