Cuộc trò chuyện của giai điệu Việt



Lòng vòng suốt buổi sáng cuối cùng cũng tha về được CD mới của Hà Trần: Đối thoại 06. 50K và câu hỏi đầy ngờ vực của lão bán hàng “50 nghìn đấy nhé” không phải là điều dễ chịu. Nhưng dù sao bây giờ cũng đã ở nhà, đã nghe gần hết đĩa và chuẩn bị nghe lại từ đầu rồi viết review. Sáng nay Hà Nội mới trở gió, thật là thú vị làm sao.

Đối thoại 06 đã được Hà Trần nói rất nhiều từ trước khi đĩa phát hành, rằng đó sẽ là một album electronica. Electronica, nó sẽ là con dao hai lưỡi với chị, mặt tích cực nó sẽ thổi không khí mới vào âm nhạc của chị, và cho những fan hâm mộ của chị những cảm giác mới, mặt kia có thể nó sẽ là cái cớ để người ta phê phán chị nhiều hơn. Bỏ qua những cái tai nhạc thị trường vì họ không phải là “đối tượng mục tiêu”, nhưng có một câu hỏi băn khoăn từ rất lâu trước khi TN chính thức được nghe album này, đó là: Những fan nhạc điện tử, họ sẽ đánh giá thế nào khi nghe Đối thoại 06?

Nhưng thôi, âm nhạc trước tiên là cho chính mình. Vậy thì cứ nghe trước đã và tự cảm nhận trước đã, rồi hãy quay ra xem mọi người nói gì.


Nhạc của Trần Thu Hà không phải là thứ nhạc có thể làm người ta “nhảy ngay xuống hồ”, mà nó chỉ ngấm dần khi người ta đã nghe được vài lần, rồi lại vài lần nữa. Lần đầu tiên nghe thường không thấy hay bằng những lần sau. Mà có lẽ chị nói đúng, khán giả của chị luôn đi sau chị một bước. Khi “Nhật Thực” ra mắt, người ta thương nhớ giai đoạn “Em về tình khôi” và “Bài tình cho giai nhân”, đúng chất pop “sạch sẽ” và tinh khôi. Bẵng đi một thời gian dài, trở lại với “Thanh Lam – Hà Trần” hơi lặng lẽ (chị tham gia vào album này gần như để làm nền cho Thanh Lam). Đến “Hà Trần 9803”, rất nhiều người vẫn còn nghĩ đến chị với hình ảnh của dệt tầm gai và đốt lên thành lửa ném lên trời. Còn đến thời điểm này, liệu còn bao nhiêu fan vẫn thích nghe Hoa gạo, Em về tóc xanh, Phố nghèo nhiều hơn?

Quay trở lại với Đối thoại 06. Trước hết đây là một album trọn vẹn về ý tưởng, “cuộc trò chuyện của giai điệu Việt trên nền công nghệ điện tử Phương Tây”, câu Hà Trần trả lời phỏng vấn trên website hatranmusic.com. Riêng TN muốn thêm một từ nữa để câu đó thành “cuộc trò chuyện của giai điệu Việt và tâm hồn Việt trên nền công nghệ điện tử Phương Tây”, 5 sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến xuất hiện trong album đã giúp chị làm điều đó (Ra ngõ mà yêu, Bình nguyên xa vắng, Lữ khách sông Hồng, Mưa bay tháp cổ và Quê nhà – Hà nói trước đó rằng nhạc sĩ Trần Tiến là khách mời, nhưng khách mời gì mà nhiều sáng tác hơn các nhạc sĩ chính :p). Nếu tính cả bonus tracks thì có thêm 2 sáng tác của Nguyễn Xinh Xô, 2 sáng tác chung của Ben Doan và Hà Trần.

Có một điều thú vị là lúc nghe 2 demo Ra ngõ mà yêu và Deep water thì TN thích Ra ngõ mà yêu hơn, nhưng lúc nghe chính thức thì lại đặc biệt thích Nước sâu, có thể nói là thích nhất trong 11 tracks của album (có lẽ vì bài có tiết tấu, có điểm nhấn, có cao trào nên dễ gây được ấn tượng mạnh lúc ban đầu). Nước sâu cũng được thu 2 bản khác nhau, một Việt và một Anh.

Còn điều đáng tiếc là không được nghe sáng tác nào của Hoàng Bích Ngọc như Hà đã hứa trước đó (liệu Hoàng Bích Ngọc có phải chính là Ben Doan ???).

Tổng kết lại, những bài đáng nghe (gần hết):

- Giấc mơ lạ, Nguyễn Xinh Xô
- Ra ngõ mà yêu, Trần Tiến
- Bình nguyên xa vắng, Trần Tiến
- Nước sâu, Nguyễn Xinh Xô, (lời Việt: Hà Trần)
- Lữ khách sông Hồng, Trần Tiến
- Quê nhà, Trần Tiến (riêng bài này hát unpluged).

0 comments:

Post a Comment