Yếm đào xuống phố: Mong Chèo Việt Nam không bị quên lãng

Đưa Chèo vào nhạc hiện đại thì Tân Nhàn và nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng không phải là người đầu tiên. Nhiều năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung đã rất thành công với Đường xa vạn dặm. Nhưng ở Yếm đào xuống phố, lần đầu tiên một ca sĩ nhạc nhẹ hát Chèo, và lần đầu tiên một album với trọn vẹn 7 bản Chèo cổ được phối hợp với âm nhạc của Tây phương. (*)


Jazz là cách thức mà Trần Mạnh Hùng đã chọn cho Yếm Đào xuống phố. Nếu chưa nghe qua, thật khó hình dung được Chèo kết hợp với Jazz thì sẽ thế nào.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cố gắng làm nhẹ bớt tính jazz, tôi hát chèo cũng nhẹ bớt. Có sự hài hòa giữa phần âm nhạc và giai điệu, không quá phá cách, không băm nát những quy chuẩn của chèo mà vẫn giữ khoảng 80% giai điệu của chèo cổ. Khác ở chỗ, tôi dùng kỹ thuật thanh nhạc để hát chứ không phải hát theo hơi thở của nghệ sĩ chèo. Đưa kỹ thuật hát giả thanh của opera mà không bị khiên cưỡng, đó là cố gắng của tôi.

Với phần phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng thì phần hát của tôi cũng chỉ là một nhạc cụ thôi, trong một bản phối khí tổng thể. Nhạc cụ hay ca sĩ không phải là chủ thể, để khán giả nghe vẫn cứ chèo và vẫn cứ jazz. Dây thanh đới của tôi cũng trở thành một nhạc cụ trong bản tổng thể phối khi. Đó là sự tài tình của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Thực là như vậy, Yếm đào xuống phố nên được xem là một tác phẩm của hai đồng tác giả là nhạc sĩ & ca sĩ mà phần đóng góp của cả hai bên đều rất độc đáo.

Với những khán giả của Chèo cổ, có thể album này chỉ như một sự thể nghiệm, vì những làn điệu Chèo a ới a cùng với nguyệt, nhị, sáo đã trở thành một thứ quyến luyến như lời ru được nghe từ tấm bé, không dễ gì mà thay đổi. Với những khán giả không hoặc chưa thích Chèo, cũng không kỳ vọng gì hơn việc nghe một lần cho biết rồi thôi.

Vậy thì Yếm đào xuống phố dành cho ai? Những người vẫn còn trân trọng những hình thức nghệ thuật truyền thống, nhưng chưa đủ động lực để tiếp cận với nó một cách gần gũi hay thường xuyên hơn. Tôi hẳn là một ví dụ điển hình cho lớp khán giả này. Nghe Chèo và hát theo từ dạo lên bốn, lên năm, qua những trích đoạn của Hề Chèo Mạnh Tuấn trên băng cassette. A ới a nó ngấm vào người từ ấy, cũng thích cũng yêu, nhưng bây giờ - nếu để nghe hết toàn bộ một vở Chèo cổ, hoặc một album 7 bài Chèo cổ, e rằng hơi khó.

Với Yếm đào xuống phố, chất Chèo vẫn còn trong những câu hát của Tân Nhàn. Ví dụ thế này:  Ở cùng một vị trí người vợ, ở ba đoạn Chèo là ba tâm trạng và màu sắc khác biệt: Tò vò (vở Kim Nham/Suý Vân) là nỗi khát khao day dứt của người vợ trẻ xa chồng, Quân tử vu dịch (vở Lưu Bình Dương Lễ) lại thiết tha tấm lòng của người vợ hiền lúc phải chia tay chồng, còn Duyên phận phải chiều (vở Quan Âm Thị Kính) có cái nồng thắm, khăng khít của người vợ thuở mới về nhà chồng.

Nhưng nếu nguyệt, sáo, nhị làm cho Chèo ngọt ngào vương vấn hơn, thì piano, trumpet, drums làm Chèo của Trần Mạnh Hùng & Tân Nhàn nhẹ và mềm đi, nghe lâu không bị mệt. Những đoạn mở đầu hoặc đoạn chuyển (không lời hát), cũng hoàn toàn có thể tách rời thành những khúc World Music độc đáo.

Dù vậy, cũng chẳng cần đao to búa lớn kỳ vọng album sẽ đưa được Chèo Việt Nam ra với thế giới, giản dị hơn thì chỉ mong Chèo không bị quên lãng ở Việt Nam đấy thôi.

(*) Trong 7 bản nhạc của album, thật ra có 5 bài Chèo cổ và 2 bài là xẩm:

1. Đường trường phải chiều (Vở Quan Âm Thị Kính)
2. Tò vò (Vở Kim Nham)
3. Đào Liễu (Vở Tấm Cám)
4. Quân tử vu dịch (Vở Lưu Bình Dương Lễ)
5. Mục hạ vô nhân (xẩm)
6. Xẩm Nhị tình (xẩm)
7. Chèo mở lái ra

(tên các vở Chèo cổ là TN tự đưa thêm chú thích)

0 comments:

Post a Comment