Từ Cơ hội của Chúa đến Ba ngôi của người

1. Từ Cơ hội của Chúa…

Nguyễn Việt Hà là một trong vài nhà văn Việt Nam đương đại mà tôi thích và theo dõi tất cả các tác phẩm mà họ xuất bản. Nguyễn Việt Hà ở vào cái tuổi mà tôi gọi là anh thì hỗn, gọi là chú thì lại hơi quá, nhưng văn của Nguyễn Việt Hà thì rất rõ ràng – đọc vài câu là nhận ra ngay – cái giọng văn mà từ lần đầu tiên đọc, tôi đã so sánh với rượu vodka – thô mộc, thẳng thắn, có chút bất cần cao ngạo nhưng về bản chất thì vẫn rất lành, giống mấy ông chú trong khu tập thể nhỏ nhà tôi sống cho đến năm lên 10. Tức là một kiểu thanh niên Hà Nội rất đặc trưng của thập niên 1980, đi học, đi “xuất khẩu lao động” ở Liên Xô hay Cộng hoà dân chủ Đức về, hoặc chí ít thì cũng ảnh hưởng nhiều từ thế giới văn minh rất là XHCN đó.

Văn Nguyễn Việt Hà luôn có Hà Nội. Truyện ngắn, tiểu thuyết hay tạp văn thì đều có bóng dáng Hà Nội trong ấy. Những con đường, ngõ phố, những cảnh trí… vô cùng quen thuộc.

Thế nên, chẳng trách tôi thích đọc Nguyễn Việt Hà

Cơ hội của Chúa, quyển tiểu thuyết đầu tay của có một thời gian ngắn bị cấm, lúc ấy tôi còn đang là học sinh, có nghe bố nhắc một vài lần về một tác giả trẻ, vừa ra quyển tiểu thuyết đầu tay “rất khá”, phát hành rồi mà lại bị thu hồi. Mãi vài năm sau lúc vào Đại học rồi, thì mới đọc chính thức, bản “word” đọc trên máy tính do một người bạn gửi cho.

2. Những ám ảnh tuổi trẻ

Tôi thuộc nhiều đoạn trong Cơ hội của Chúa. Ý tưởng của Nguyễn Việt Hà trong cuốn tiểu thuyết đó gói gọn trong một câu đề ngay đầu sách: “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người, đấy là cơ hội của Chúa”.

Thế nhưng tôi của những năm 20 tuổi đọc Cơ hội của Chúa xong, không thấy được cái bí bức, cái cùng quẫn cuối cùng ấy. Chỉ là rất thích một tác giả viết về Hà Nội mà không cần mô tả Hà Nội, chỉ là rất thích cái cảm giác thân quen như gặp lại những ông chú ở khu tập thể cũ hồi bé. Và nhất là tình bạn trong Cơ hội của Chúa.

Chính là tình bạn của Nhã và Hoàng đã định hình một định nghĩa về tình bạn cho tôi năm 20 tuổi và ảnh hưởng đến cả sau này.

- Mình làm cái gì Nhã ăn nhớ.
- Ðằng nào chả đợi U. Mình không đói.
- Hay đánh ván chắn tay đôi vậy.
- Ừ

Hoàng chia bài dáng chuyên nghiệp. Bài Nhã lẻ.
Cô khe khẽ thở dài. Cứ gần tết lại có cảm giác xao xuyến buồn.
- Tứ văn.
- Hoàng này, tự nhiên mình cảm thấy chán quá.
- Cậu đi đâu xa xa thử xem.
- Mình cảm thấy bải hoải. Buôn bán cũng không còn hưng phấn. Hay là tâm lý gái già - Nhã bật cười khẩy - Ði đâu xa bây giờ. Mà đi xa cũng chẳng giải quyết được gì. Có lẽ sang năm mình đóng hết các cửa rồi nhờ cậu đến giảng Thiền.
- Cầu Chúa ban phước lành cho cậu. Ngũ vạn.
- Liệu Chúa có đến với mình không.
- Mỗi người có một đức tin, không thể truyền trao được. Mình theo quan điểm Thiền tông. Vì vậy, Chúa luôn đến với mình những lúc không tiền uống rượu.
Kinh thánh nói, sự cùng quẫn cuối cùng của con người đó là cơ hội của Chúa.
- Triết gia đều là những tay nguỵ biện…
- Nhưng cái căn bản là họ sống lâu. Văn nhân, thi nhân thậm chí thương nhân phần lớn đều chết yểu.
- Thôi, không chơi bài nữa, mình với cậu ra đường lang thang đi.
- Cậu đang ốm

Nhã nhấp tý tẹo rượu. Một cơn ho dài làm cô gập người.
- Tâm chọn được ngày cưới chưa.
- Nó định ra Tết, nhờ mình xem ngày. Tý, Dậu, Sửu. Kim cục địa chi tam hợp. Ðược, nói chung là số thầng Tâm vào loại đẹp.
- Cậu có phải lập lại lá số cho mình không. Cậu khen nức nở đường chồng con. Mình nhớ nguyên văn. Nữ mệnh lấy phu và tử làm trọng. Phu tinh và tử tinh không gặp phải sự hình, xung, phá hại là tốt.

Nhã cười. Hoàng uống rượu mải ngắm phố qua cửa sổ. Hôm nay là mười hai tháng chạp. Nhã lại ho. Sự cô đơn tự tăng sức mạnh vào những ngày giáp Tết.
- Thủy bao giờ thực tập xong.
- Ngày kia cậu cho mình mượn xe, mình xuống đón Thuỷ.
Con bé Phương Phương giãy thò chân ra khỏi chăn.
Rét ngòn ngọt. Hơi ấm trong phòng thỉnh thoảng loãng nhẹ bởi cơn gió mỏng manh nào đó.

Thật buồn cười là, những mối tình đến và đi lấy đi nhiều nước mắt nhưngkhởi đầu bao giờ tôi cũng có rất ít hình dung và kỳ vọng về nó. Còn tình bạn thì ngược lại, luôn được định nghĩa, sắp xếp từ trước, và cũng có khi đặt nhiều kỳ vọng quá cho bạn bè. Người bạn dạo ấy gửi cho file "word" Cơ hội của Chúa cũng nằm trong một dạng kỳ vọng ấy.  Năm tháng qua đi rồi những định nghĩa cũng thay đổi nhiều, duy chỉ có Nhã & Hoàng thì mãi mãi là ám ảnh.


3… đến Ba ngôi của người

Nguyễn Việt Hà mới xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ ba, Ba ngôi của người. Tất nhiên là tôi mua ngay và đọc ngay. Vẫn chẳng thể nào lẫn đi đâu được cái giọng văn ấy và những con người Hà Nội ấy của anh. Tôi vẫn rất thích không khí này và giọng văn này, nhưng cảm giác đã không còn bình dị và ấm áp nữa. Tôi không còn 20 như mười năm trước, còn văn của Nguyễn Việt Hà đã trở nên gay gắt hơn, nhân vật nam uống rượu nhiều hơn còn nhân vật nữ lăng loàn và hư hỏng nhiều hơn. Ngay cả tình bạn tưởng chừng như tuyệt đối đẹp của một nam phụ và một nữ rất phụ, đến một phần ba sách là nhân vật nữ rất phụ đã bỏ đi, để lại nam phụ không thể làm bạn thêm với ai được nữa.

Trước khi đọc, tôi đã dự định sẽ viết một cái gì đấy sau khi đọc xong. Giờ, sách đọc được hơn nửa, vừa muốn đọc tiếp vừa muốn dừng. Chỉ vì sợ cho đến tận trang cuối cùng, tôi vẫn không tìm lại được cái cảm giác bình dị và ấm áp trước đây, các nhân vật sẽ không còn giữ được cái lạc quan ngây thơ trước đây khi họ gặp bước cùng quẫn cuối cùng nữa. Hoặc cũng có thể, đấy là cảm giác cá nhân khi tôi áp đặt cho tác phẩm thôi?




0 comments:

Post a Comment