Một thế kỷ cũ

Người Trung Hoa có mặt ở Việt Nam từ hàng nghìn năm trước, nhưng Chinatown và những người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn thì hầu như không liên quan gì đến lịch sử nghìn năm ấy. Lật giở lại những trang lịch sử liên quan đến khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn hơn ba trăm năm trước, nhìn vào những cửa tiệm, những ngôi nhà, những con hẻm nhỏ, lòng ta cứ bâng khuâng tự hỏi người Chợ Lớn hôm nay gọi nơi nào là quê hương của họ?

1. Bắt đầu từ một lời hứa

Tháng 8, Sài Gòn đã vào gần cuối mùa mưa, con đường Trần Hưng Đạo, chạy từ Quận 1 tới trung tâm Quận 5, đã không còn bị cảm giác gắt gao của cái nắng mặt đường bốc lên trên suốt dọc đường dài hơn năm cây số. Mục đích của lần sang Chợ Lớn lần này cũng khác hơn nhiều lần trước, không đi mua đi bán mà chỉ đi tìm một điều gì đó còn chưa rõ dáng hình...

Những người Hoa thời kỳ cuối Minh đầu Thanh vào thế kỷ 17, khi không chịu thuần phục nhà Thanh, đã rời bỏ quê hương và tìm đường đến miền Nam Việt Nam lập nghiệp, tập trung nhiều ở vùng Cù Lao Phố, Biên Hoà. Họ, những người anh hùng nông dân hay những kẻ phản tặc? Không biết trong số họ có ai đó là hậu duệ của 108 anh hùng Lương Sơn một thời?

Chùa Bà Thiên Hậu, ngôi chùa cổ nhất của người Quảng Đông xây dựng tại Chợ Lớn từ thế kỷ 18
Tới thế kỷ 18 khi Biên Hoà bị quân Tây Sơn đánh phá, họ chạy về vùng Đề Ngạn (Tin Gan – Thì Ngòn) – khu vực Chợ Lớn ngày nay. (Tức là cái tên Sài Gòn có thể bắt nguồn từ đó).  Đại lộ Đông Tây ngày nay, mà Kênh Tàu Hũ vẫn chạy dọc con đường, cũng là vùng đất gắn liền với lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn một thời… Ôi chao những cái tên, những con đường, nào đâu phải quê quán, tổ tiên, mà sao nghe cũng bâng khuâng đến lạ.

2. Chợ Lớn ngày nay

Mặc dù quận 5 trên đường Trần Hưng Đạo nối liền ngay với quận 1, nhưng người ta nói Chợ Lớn chỉ bắt đầu từ An Bình cũng đúng. Qua khỏi đường An Bình là khung cảnh lập tức khác hẳn. Những dãy nhà phố hai tầng là đặc trưng của người làm ăn buôn bán gốc Hoa ở khắp nơi trên thế giới, và đây mới chỉ là phần mở đầu.





Tìm vào những con hẻm nhỏ, nơi những cái tên riêng được gắn liền với hạng, lý, phường (tương đương với ngõ, hẻm, xóm, thôn… của Việt Nam), điểm đặc trưng dễ nhận ra nhất là ngoài cửa ngôi nhà nào cũng treo một bàn thờ nhỏ, và ngôn ngữ chính vẫn là tiếng Quảng. Đứng lại một lúc thì có cảm giác mình đang không ở Việt Nam.

Hữu duyên thế nào mà con hẻm đầu tiên tôi tìm tới là Hào Sỹ Phường, cũng là con hẻm đẹp nhất, vẫn còn giữ nguyên vẹn nhất những kiến trúc căn bản của nó. Có tài liệu nói Hào Sỹ Phường là nơi ăn ở của những người làm thuê cho ông chủ người Tiều tên là Hào Sỹ. Cũng có chỗ lại giải thích Hào Sỹ là tên một địa danh ở quê hương họ.







Buổi chiều hôm ấy có cơn áp thấp nhiệt đới vắt ngang qua Sài Gòn, con hẻm cũ ẩm thấp và lép nhép, lại càng trở nên bé nhỏ và cũ kỹ hơn. Trời mưa, cúp điện, vài cụ già bắc ghế ra ngồi ngoài hiên nói chuyện. Cái thanh âm vốn quen thuộc trên những bộ phim Hongkong, giờ nghe ở nơi này, từ các cụ già lưng còng mắt kém, nhất là trong một buổi chiều mưa, tưởng như thời gian đang ngưng đọng lại ở một thế kỷ cũ.

3. Tiệm nước ông Thanh

Nhỏ xíu và xập xệ, nằm bên hông chợ Tân Phước bên quận 11, tiệm nước của ông Thanh là điểm lui tới của những người già của khu vực quanh đó. Thỉnh thoảng cũng có một vài tay nhiếp ảnh, một số kẻ du lịch từ xa đến, vì quả thực là dù nhỏ xíu và xập xệ nhưng tiệm nước của ông có một sức hấp dẫn kỳ lạ.

Màu của thời gian, của bụi và của khói ám lên ngôi nhà, không ra nét tạm bợ nhưng cũng chẳng thể coi là yên ổn, không đến nỗi là khốn khó nhưng cũng không thể nào gọi là sung túc, ngôi nhà có lẽ là nơi sinh sống của vài gia đình.





Tôi ngồi đấy trong một buổi sáng sớm Sài Gòn nắng đẹp, bà con trong khu vực đi chợ qua lại, lao xao tiếng Quảng. Ông Thanh và mấy anh bán hủ tíu bên cạnh nói tiếng Việt với tôi rất rõ, nghe không phân biệt được là người Hoa – người Việt, nhưng khi nói chuyện với nhau thì họ vẫn dùng tiếng Quảng, thỉnh thoảng có mấy bà già lui tới mua trà, mua cà phê đem về, cười đùa ríu rít cả.

Tiệm nước được xem là một văn hoá của người Hoa, dù đi đâu họ cũng đem theo tiệm nước tới đó, để làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt chung cho xóm giềng. Tôi hỏi vài người gốc Hoa đang sống ở Sài Gòn về những tiệm nước khác, họ nói hai chục năm trước thì vẫn còn nhiều lắm, nhưng giờ lớp trẻ lớn lên, người già già đi, chẳng còn mấy ai ngồi tiệm nước nữa nên dẹp bỏ gần hết rồi.

4. Kết

Hơn bất kỳ dân tộc nào, người Hoa mang trong mình dòng máu dân tộc mạnh mẽ ghê gớm, họ gìn giữ truyền thống, văn hoá và ngôn ngữ của mình dù đã trải qua từng ấy năm phiêu bạt.

Gần đây đọc được cuốn sách hay của bác Trần Văn Thuỷ, có nhắc lại về “Nếu đi hết biển”, nếu đi hết biển rồi sẽ lại trở về quê hương. Nhưng với những người Hoa ở Chợ Lớn hôm nay, họ coi nơi nào là  quê hương của họ? Tổ tiên từ bốn trăm năm trước ở Trung Hoa, hay là nơi ông bà, cha mẹ và chính họ đã được sinh ra, lớn lên, làm ăn và sinh sống, là Sài Gòn – Chợ Lớn?

Tôi thử nhìn vào nét mặt của những cụ già trong những con hẻm tôi đã đi qua, không có câu trả lời. Tôi thử ngồi ở tiệm nước ông Thanh và cố lắng nghe câu chuyện của họ, không có câu trả lời.

Dường như câu hỏi của tôi là một điều vô nghĩa, khi những người Hoa ở Chợ Lớn hôm nay, phần lớn, vẫn tất tả xuôi ngược với cuộc mưu sinh hàng ngày của họ. Người ta nói người Hoa biết làm ăn, người Hoa giàu có, người Hoa biết thu vén và tính toán. Quả là đi qua những con đường buôn bán, những khu chợ của người Hoa là thấy ngay họ kinh doanh khéo thế nào. Nhưng chỉ khi bước chân vào những khu dân cư của họ, mới thấy một cảm giác bùi ngùi khôn tả,

cái cảm giác mà tôi gọi là “một thế kỷ cũ vẫn ngưng đọng lại nơi này”.

Câu trả lời xin nhường lại sau này.




0 comments:

Post a Comment