Inle Lake: Chân trời rộng mở

Chúng tôi “làm quen” với Inle Lake từ những bức hình đẹp mê mẩn trên internet. Và khi đến đây, tôi mới hiểu vì sao người ta có những bức hình đẹp thế… Dường như ở đây, bạn không thể chụp được hình xấu! Có thể nói rằng Inle Lake đẹp dưới mọi góc nhìn, cảnh vật và con người.

Chuyến đi xuyên qua Myanmar kéo dài mười ngày, và chúng tôi đã cố tình xếp Inle Lake là điểm dừng chân cuối cùng. Sau hành trình qua hàng trăm ngôi đền chùa và các di tích có dấu ấn Phật giáo trải trên khắp đất nước này, đến Inle Lake thực sự là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Gặp gỡ

Tới Inle Lake khi trời còn tờ mờ sáng, cả vùng thị trấn Nyaung Shwe vẫn chìm trong giấc ngủ. Tháng mười ở đây không khí đã bắt đầu se lạnh, nhất là khi mặt trời tắt nắng. Con đường nhỏ lọc cọc sỏi đá dẫn về khách sạn, có những đoạn sát với mép nước hồ, nước tràn cả lên bờ, lăn tăn gợn sóng. Xa xa là những đường viền nhấp nhô màu xám, không rõ là mây hay núi. Inle Lake thật sự đem lại cảm giác yên ả và dễ chịu ngay từ phút đầu tiên gặp gỡ.


Xin bổ sung thêm vài thông tin về Inle Lake trước khi kể thêm cho bạn bất kỳ điều gì về nó: Inle Lake là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Myanmar, với diện tích bề mặt khoảng 116km2, sâu từ 2 tới 4m (nhưng tôi  lại nghe người dân ở đây nói, vùng trung tâm hồ sâu nhất tới 7m). Hồ nằm trên vùng cao nguyên, cách mặt nước biển gần 1.000m - tương đương với độ cao của Mộc Châu hay Bảo Lộc ở Việt Nam.

Thu xếp chỗ ăn ở ổn thỏa, anh hướng dẫn viên người địa phương đưa ba người bạn Việt Nam là chúng tôi có mặt trên hồ vào lúc 9h sáng. Tới lúc này, mặt trời đã chan hòa trên khắp các mái nhà ở Nyaung Shwe và lấp lánh trên từng milimét mặt hồ. Đến đây, Inle Lake mới chính thức mở ra trước mắt tôi một vùng trời – nước mênh mang và choáng ngợp.

Nước & Trời

Không có gì ngạc nhiên khi ở đây, bạn sẽ có cảm giác bầu trời gần với mình hơn, trong xanh hơn và to rộng hơn. Tất cả lý do thuộc về thời tiết và địa lý! Ấy thế  nhưng bạn vẫn không tránh khỏi cảm giác bất ngờ và cả xúc động.

Ánh nắng chan hòa nhưng không gay gắt, bầu không khí dịu mát bởi gió hồ miên man, trước mặt bạn là trời xanh - rất gần, hai bên hồ và phía xa là núi, sát ngay cạnh là mặt nước hồ trong veo như gương. Một tổng thể thiên nhiên vô cùng hoàn hảo, cho tâm trí ta giãn ra, mọi suy nghĩ và vướng bận nhường chỗ cho trời, nước và một màu xanh trải đến tận ngoài tầm mắt.



Inle Lake làm tôi nhớ tới chuyến đi thuyền trên sông Gâm (Bắc Kạn) cách đây đã ba năm. Cùng với sông Gâm, Việt Nam còn nhiều con sông, hồ nước lớn trên núi có cảnh đẹp độc đáo (Ba Bể cũng ở Bắc Kạn, Sông Đà ở Hòa Bình, Biển Hồ ở Pleiku...). Vẫn là cái cảm giác mênh mang trước một khung cảnh mây nước, vẫn là sự thảng thốt đến lâng lâng vì phong cảnh tuyệt vời, nhưng nếu sông Gâm ngày ấy là sự lạnh lẽo và có phần xa cách với những đỉnh núi mờ sương ngay hai bên bờ sông, thì Inle Lake của tôi hôm nay ấm áp, yên bình và vô cùng gần gũi với ánh nắng chan hòa, cây cỏ và cả những người dân đang sống ngay trên hồ.

Làng của những ngôi nhà chân dài

Cảnh đẹp vốn là phần nền cơ bản cho bất kỳ điểm du lịch hấp dẫn nào. Nhưng nếu chỉ có vậy thì khách du lịch chỉ ngắm một ngày là hết cảnh, còn người viết như tôi cũng chỉ có bao nhiêu chữ trên kia là… hết chuyện. Nhưng Inle Lake đẹp bởi cảnh thiên nhiên nó một phần, thì nét văn hóa độc đáo và con người ở bản địa lại  làm nét đẹp đó tăng lên thành đôi, ba phần.

Hồ nước, ngoài vai trò tự nhiên của nó thì còn là một vùng dân cư khá đông đúc, với rất nhiều hình thức sinh nhai. Đến đây, lại phải nhắc tới những vùng sông, hồ trên núi mà tôi đã từng đi qua, chưa một nơi nào có cách xây nhà và sinh sống trên hồ độc đáo như ở Inle Lake. Những ngôi nhà trông giống như nhà sàn ở Việt Nam, quần tụ ở bờ phía Nam, cũng có đền chùa và tháp, có cả tu viện… như bao nhiêu vùng đất khác của Myanmar. Có nhà mới xây, cũng có nhà đã hơn trăm tuổi.



Năm nay, Inle Lake vào mùa nước lớn (phải chục năm mới gặp một lần), nên nước lên gần sát sàn nhà. Nếu không, có lẽ chúng tôi đã được gặp cảnh tượng đẹp hơn nhiều, với những ngôi nhà có chân dài cắm xuống nước!

Nguồn sinh sống chủ yếu của cư dân hồ là thủy hải sản, nông sản trên trên hồ, đặc biệt là nghề trồng cà chua rất phát triển. Theo các thông tin mà tôi có được, Inle Lake là vựa cà chua lớn nhất Myanmar, ngon nổi tiếng. Ngoài ra, còn có các xưởng nghề thủ công như dệt, kim hoàn, dao kéo, thuốc lá… và tất nhiên không thể thiếu các nhà hàng nổi để phục vụ khách du lịch.

Những ấn tượng đặc biệt

Cả một ngày trời lòng vòng trên hồ bằng thuyền, ghé từ xưởng thủ công này tới xưởng thủ công khác, từ ngôi nhà này tới tu viện, chùa tháp khác… chúng tôi không khỏi thán phục sự niềm nở, tận tình và vô cùng thật thà đáng yêu của người dân nơi đây. Vẫn biết rằng nó nằm một phần trong dịch vụ du lịch, nhưng có những sự quan tâm chi tiết, tỉ mỉ đến mức chúng tôi biết chắc rằng chỉ có những tấm lòng chân thành và quan tâm từ bản năng mới có thể làm được.

Trở lại chuyến đi chơi Inle Lake, ấn tượng nữa là cách chèo thuyền bằng chân truyền thống. Thoạt nghe anh hướng dẫn viên tự hào khoe về cách chèo thuyền độc đáo này, đám chúng tôi gật gù và làm ra vẻ “thường thôi”! Nhưng hóa ra không hề “thường” chút nào. Ở Việt Nam, hình thức chèo thuyền bằng chân không hiếm, nhưng người chèo thuyền phải ngồi để điều khiển mái chèo. Còn ở Inle Lake, người ta đứng! Người chèo thuyền đứng ở cuối thuyền, một chân làm trụ và chân kia ngoắc vào mái chèo để điều khiển.


Buổi chiều thứ hai ở Inle Lake, sau khi đã khám phá gần hết những nét đẹp độc đáo của vùng hồ, cả nhóm vẫn không khỏi ngơ ngẩn với một cảnh tượng đẹp như tranh với một người đàn ông mặc Yongi (trang phục truyền thống của Myanmar), đầu đội chiếc nón kiểu Trung Hoa, đang đi úp cá trên hồ. Máy ảnh hoạt động hết công suất để săn cho được một tấm hình thật đẹp, ghi lại khoảnh khắc yên bình và vô cùng Myamar ấy.

Lễ hội Hpaung Daw U

Có một điều hết sức may mắn với nhóm của chúng tôi là có mặt đúng vào dịp lễ hội Hpaung Daw U lớn nhất ở Inle Lake, mỗi năm chỉ diễn ra một lần từ tháng Chín tới tháng Mười trong khoảng ba tuần.

Lễ hội được tổ chức để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thành kính với Đức Phật. Khắp vùng hồ, tượng Phật được rước từ làng ngày sang làng khác, theo sau chiếc thuyền chính rước tượng Phật là rất nhiều đoàn thuyền từ các làng đổ về, với những người trai tráng được tuyển chọn đặc biệt để điều khiển những chiếc thuyền này. Ở đây, một lần nữa cách chèo thuyền truyền thống lại được dịp phô bày hết sự độc đáo với những du khách như chúng tôi.


Quả là một ngày hội lớn với hàng trăm thuyền lớn nhỏ, thuyền đi theo đoàn rước chính, cả thuyền của người dân đi theo xem hội. Cứ tưởng tượng như ở Việt Nam, chúng ta đi diễu hành bằng xe máy vậy!

Rời Inle Lake với nhiều ấn tượng đẹp. Và sau tất cả, còn đọng lại mãi trong tôi vẫn là một vùng trời nước lồng lộng và rất đỗi thanh bình, ở nơi ấy, tôi đã có những khoảnh khắc được lắng lại để nghe từng hơi thở và nhịp đập của trái tim mình…

Bài đăng trên Tạp chí Open Sky, số tháng 12/2011

0 comments:

Post a Comment