Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy)

Mãi đến trưa nay mới chính thức đọc xong toàn bộ "Điệp viên hoàn hảo" (Perfect spy), khoảng gần 500 trang sách và không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào. Nếu để tóm tắt quyển sách một cách ngắn gọn thì chỉ cần 1 từ: Perfect work. Nhân vật hoàn hảo, tác giả hoàn hảo, dịch giả hoàn hảo, nhà xuất bản (tương đối) hoàn hảo.

Mình đã dùng dằng quá lâu để kết thúc quyển sách này, từ tháng 10 năm ngoái, không lý do nào khác ngoài lý do là quyển sách quá dày và mình thì lười, dù biết ngay từ đầu rằng nó rất hay. Tuy nhiên phải nói rằng, khi đọc xong toàn bộ quyển sách rồi thì còn cảm thấy nó hay hơn. Mặc dù là một quyển sách lịch sử (viết dưới dạng hồi ký của một nhà tình báo), đầy ắp gần 500 trang là thông tin và chi tiết, nhưng không hề cứng nhắc, mà ngược lại còn rất hấp dẫn. Lý do một phần vì bản thân câu chuyện mà nó đề cập (hấp dẫn với người cảm thấy hấp dẫn), phần khác vì tác giả thực sự là một "tay sừng sỏ", thể hiện trong việc sắp xếp bố cục và cách dẫn dắt, cách đưa chi tiết vào từng phần của quyển sách. Đọc xong quyển sách này, cảm thấy như môn lịch sử của ba năm trung học phổ thông là không cần thiết nữa!

Nhưng mà vẫn như mọi khi, người đọc sách đầy cảm tính như mình không thể nào không có chút ít dư vị cảm xúc cá nhân sau khi gập quyển sách lại. Tất cả cũng được gói gọn trong chính câu sub-title của quyển sách rồi: Cuộc đời hai mặt không thể tin được (của Phạm Xuân Ẩn).

Có vài chỗ trong quyển sách làm mình nhớ lại hồi bé. Một thực tế là hồi đó, hầu hết phim ảnh và sách truyện mà mình (và bọn trẻ hàng xóm) tiếp xúc được là về đề tài chiến tranh Việt Nam và xa hơn là chuyện về Hồng quân Liên Xô. Mấy đứa đặc biệt quan tâm đến đề tài tình báo và thỉnh thoảng lôi nhau ra đóng lại các tình huống trong phim hoặc truyện đã đọc được, vai ưa thích của cả lũ khi đó thường là một nhân vật thanh niên biệt động Sài Gòn. Còn đứa nào hư hoặc bị ghét thì sẽ phải vào vai gián điệp phía ngụy hoặc một vị sếp cấp cao của Nam Việt Nam.

Quả thực là có những lúc nhập vai đến nỗi mà đứa nào cũng cảm thấy hồi hộp trước mỗi "trận đánh".

Ông Phạm Xuân Ẩn đã mất vào tháng 9/2006, quyển sách được hoàn thiện vào năm 2007 , bởi một giáo sư sử học người Mỹ, và sau đó không lâu thì được dịch và in ngay sang tiếng Việt. Vị giáo sư đã bỏ ra 5 năm để qua lại, trao đổi với các nhân vật trong hồi ký và tìm lại các nhân chứng, sự kiện.

Hồi ký về cuộc đời của ông Phạm Xuân Ẩn đã gây một sự xúc động mạnh và đem lại nhiều suy nghĩ cho mình, nghĩ về nghề tình báo của những người như ông, và rồi nghĩ rộng ra cuộc sống và các mối quan hệ, cả những điều khá nhạy cảm về CS và CP. Dù sao thì ông Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn cũng còn có một kết thúc may mắn hơn nhiều nhà tình báo khác.

Một trong những đoạn cuối của quyển sách, rất nên ghi lại:

Có một lần tôi hỏi Phạm Ân, theo cháu thì cuốn sách tôi viết về cha cháu nên đặt tên là gì. Suy nghĩ một lúc, Phạm Ân gợi ý đặt tên là Những người bạn và những điệp viên: "Dù sao đối với ba cháu, hai điều này luôn không đi cùng nhau trong nghề tình báo. Cháu hy vọng ba cháu luôn được nhớ tới như một người thủy chung với bạn và trung thành với Tổ quốc của ba. Đôi khi, trong cuộc đời, người ta cần phải lựa chọn giữa những lợi ích. Trong tiếng Việt có chữ tâm nghĩa là "trái tim". Ba cháu đã luôn luôn hành động theo trái tim, chứ không phải là vì những lợi ích cho mình. Khi người ta không có điều gì phải hối hận trong con tim, thì người ta luôn có hành động đúng. Ba cháu chẳng có điều gì phải hối hận".

0 comments:

Post a Comment