Đọc "Ba mùa" của Phan An

Từ blog của một người bạn, tôi tình cờ đọc được “Ba mùa” của Phan An. Cho đến trước thời điểm này, cái tên Phan An vẫn hoàn toàn xa lạ với tôi. Cảm giác ban đầu hơi giống với văn phong của Nguyễn Việt Hà, từ những “bối cảnh” rất Hà Nội, thời kỳ chuyển giao giữa bao cấp và đổi mới, những người thanh niên sống và học tập ở Liên Xô trở về, và cả những chai rượu nữa – những thứ vốn rất đặc trưng trong “Cơ hội của Chúa” (của Nguyễn Việt Hà).

Tôi thích đọc Nguyễn Việt Hà. Nhiều hơn thế, “Cơ hội của Chúa” là tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc một cách nghiêm túc khi đã lớn (thật ra tôi đọc nhiều nhưng phần lớn trong số đó lại không có dính dáng gì tới văn học), và xung quanh việc đọc cuốn đó cũng có nhiều kỷ niệm vui. Chính vì thế mà cảm giác lúc đọc “Ba mùa” của Phan An có cái gì đó rất lạ, giống như chúng ta được gặp lại một người bạn cũ và cùng nhau ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa.

Tuy vậy, “Ba mùa” tất nhiên không phải “Cơ hội của Chúa” và Phan An chắc cũng không có ý định làm cho những độc giả như tôi nghĩ anh là một Nguyễn Việt Hà phẩy. Thật may là điều đó không sai. Trong “Ba mùa” có những đoạn rất hay, nó giống như trò chơi phân tích tâm lý mà tôi vẫn hay chơi với một người bạn.

Santa - con chó tôi nuôi - tha chiếc vòng cổ đến trước mặt tôi, có ý rủ tôi đi ra ngoài đường chơi. Chúng ta tìm tình cảm ở những con mèo, con chó và những người bạn ở xa xôi, những người bạn mà thậm chí chúng ta không biết mặt… Chúng ta cởi mở với những người xa lạ vô danh và khép kín với những người gần gũi cạnh mình, chúng ta có mặc cảm là không ai hiểu được mình, vì một lý do giản đơn do chính chúng ta tự nghĩ ra: vì chính chúng ta cũng không hiểu được mình nữa…


Tôi cười, như một sự tự bảo vệ, như cái mặt nạ thôi, tôi không nhớ từ bao giờ tôi cười sảng khoái… Chúng ta trở thành những nạn nhân của quy ước xã hội, kiểu như là phải vào đại học, phải đi du học, phải làm ở công ty nước ngoài ngồi phòng máy lạnh và lương cao, phải chui vào làm ở cơ quan nhà nước để có cơ hội trở thành quan chức… Chúng ta hy sinh tuổi trẻ để đổi lấy sự giàu có và toan tính lấy tiền bạc để mua tuổi trẻ, buồn cười quá…

Có một điều nữa ám ảnh tôi, đó là mặc cảm mình chưa làm được gì. Thế nào có nghĩa là làm được một cái gì đó trong đời? Có những cách theo tôi là dễ dàng: làm từ thiện, in vài quyển sách… Hoặc trong cả cuộc đời chỉ cần viết được một cuốn tiểu thuyết có giá trị, tôi muốn viết về thế hệ mình, về những gã khốn nạn (hay khốn khổ?) đã tiêu phí tuổi trẻ của mình, đã tiêu phí cuộc đời mình. Thế hệ @...

Phan An đúng, cái cảm giác “chưa làm được gì” có thể ám ảnh ngay cả khi anh đã “vào đại học, đi du học, làm ở công ty nước ngoài ngồi phòng máy lạnh và lương cao, hoặc chui vào làm ở cơ quan nhà nước để có cơ hội trở thành quan chức”.

Đọc thêm một tác phẩm khác nữa của Phan An là “Hai người trong thang máy”, nhưng có vẻ như nó không được như mong đợi. Nếu muốn tìm đọc Phan An, bạn hãy search trên Google tên của anh, chắc chắn bạn sẽ tìm được vài tác phẩm. Hình như trước đây Evan đã từng lưu những tác phẩm này của anh, không hiểu sao bây giờ họ lại xóa đi rồi. Kỳ quặc!

Chúc bạn tìm thấy điều mình "cần phải làm" trước khi có cảm giác "chưa làm được gì".

0 comments:

Post a Comment