Một góc nhìn về Lưu Quang Vũ

Ba hôm vừa rồi, chúng tôi đi xem kịch Lưu Quang Vũ, (báo chí chắc viết cũng nhiều rồi, nên không cần nhắc lại kịch ở đâu nữa). Ba vở: Điều không thể mất, Mùa hạ cuối cùng và Lời thề thứ 9. Tình cờ là cách đây chưa đến một tuần, tôi cũng mua được cuốn sách mới xuất bản, “Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ”, trong đó có vở Tôi và Chúng ta.

Ký ức một thời

Một thời kỳ khó khăn nhưng đầy kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu lại được lật giở lại. Ngày ấy, anh em tôi được đi theo cha mẹ đến rạp xem Tôi và Chúng ta, chẳng hiểu và cũng chẳng nhớ gì đâu, nhưng ký ức vẫn còn nguyên cái không khí “rần rần” xúc động ở xung quanh mình hồi ấy. Rồi nhiều năm về sau này, vẫn nghe các cụ nói về tác giả Lưu Quang Vũ với một sự mến mộ kỳ lạ. Tôi và Chúng ta, Lời thế thứ 9, Nàng Si-ta…, một thời của cha mẹ chúng tôi đấy. Nên có lẽ sự mến mộ dành cho Lưu Quang Vũ đã đến từ trước khi chúng tôi biết ông là ai và tài năng của ông như thế nào.

Tuổi của nhà viết kịch cũng ngang với cha mẹ tôi, giờ nếu ông còn sống thì cũng lên chức ông bà rồi. Nhưng tôi vẫn muốn gọi ông là chú, xưng cháu, như ở chính cái tuổi mà chú đã ra đi mãi, 40. 

Một góc nhìn khác

Hôm qua tôi đưa cha mẹ mình đến Nhà hát  Tuổi trẻ xem Mùa hạ cuối cùng. Cha tôi mắt kém rồi, ngồi ở hàng ghế giữa nhưng cũng không còn nhận biết rõ được diễn viên trên sân khấu nữa, thành thử sự thưởng thức cũng bị hạn chế rất nhiều phần. Tôi chợt hiểu ra là một thế hệ đang dần lùi lại phía sau, trong khán phòng, chúng tôi - những người đang dần thay vai của cha mẹ mình 30 năm trước, mới là khán giả chính của Lưu Quang Vũ hôm nay.

Cậu bạn của tôi, một nhà báo, cùng có mặt trong cả 3 buổi biểu diễn. Đến buổi thứ hai, lúc ra về và gặp nhau ở sảnh Nhà hát, nhìn thấy tôi cậu ta thốt lên: “Chị ơi, ông ấy là Cộng sản đấy chứ, người ta cứ chụp mũ cho ông ấy là Dân chủ!”.

Ba buổi diễn, buổi nào cũng có nhiều khán giả khóc. Tôi không có cơ hội để hỏi họ khóc vì lý do gì. Còn riêng tôi thì xúc động quá đỗi với sự trăn trở cứ trở đi trở lại: Niềm tin, Lòng tốt, Sự thật, và những Giá trị còn để lại cho mai sau. “Năm tháng dù qua đi, nhưng con người ta vẫn còn phải giữ lại được điều gì đó chứ”? Câu hỏi ấy đã lặp đi lặp lại qua tất cả các tác phẩm.

Cảnh trong vở "Điều không thể mất", Nhà hát kịch Quân đội
Báo chí mấy chục năm qua ca ngợi chú nhiều về sức viết (50 kịch bản trong vỏn vẹn mười năm), về góc nhìn và tính thời đại, về sự dũng cảm dám nói và dám viết… Còn tôi nghiêng mình trước tâm hồn đầy tính Thiện, niềm tin trong sáng và sự lạc quan tuyệt vời của chú.

Điều không thể mất, Mùa hạ cuối cùng và ngay cả Tôi và Chúng ta, vẫn thấy trong đó rạng ngời những niềm tin, những lòng tốt, những sự thật, và vẫn là những cái kết có hậu. Cái rạng ngời lạc quan và sự thánh thiện ấy, khó để giả vờ hay nguỵ tạo lắm.

Tôi vẫn tin rằng, Niềm tin là điều cuối cùng người ta nên giữ lại bên mình. 

Mùa hạ cuối cùng

Phần cuối cùng này tôi xin dành để nói một chút về vở “Mùa hạ cuối cùng” mà NSUT Chí Trung dựng cùng Nhà hát Tuổi trẻ. Một vở kịch tuyệt vời!

Kể từ sau “Nửa đời ngơ ngác” xem từ hai năm trước của sân khấu Hoàng Thái Thanh, đến giờ mới lại có một vở kịch khác làm tôi thấy thích thú đến vậy. (Không so sánh nội dung và hình thức của hai vở, vì nó thuộc hai mô-tuýp hoàn toàn khác nhau). Kịch bản và lời thoại hay, điều ấy có lẽ không cần khẳng định lại nữa. Nhưng sự thú vị đến từ phần dàn dựng của Nhà hát, và lời tán thưởng đầu tiên có lẽ phải dành đến đạo diễn Chí Trung.

Cảnh trong vở Mùa hạ cuối cùng, Nhà hát Tuổi trẻ
Bối cảnh của kịch bản gốc đã diễn ra từ hơn 20 năm trước, cái khéo của đạo diễn là đẩy bối cảnh về hiện tại, nhưng vẫn giữ nguyên được tinh thần của kịch bản – sự lãng mạn, trong sáng, những chi tiết rất Hà Nội, chỉ có ở Hà Nội, và câu chuyện từ 20 năm trước nhưng được kể lại đến giờ vẫn còn nguyên những ý nghĩa xã hội của nó. Mẹ tôi cũng thích vở kịch, nhưng bà vẫn phàn nàn về những chi tiết hiện đại, "ngày xưa làm gì có", điều bà mong chờ là được xem lại cái không khí của kịch 20 năm trước. Nhưng với khán giả thế hệ hôm nay, đó không phải là điều bức thiết. 

Khép lại tuần lễ Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ, chắc phải cảm ơn Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, vì nhờ có Liên hoan này, mà hẳn sẽ tạo thành một cú hích để người Hà Nội quay trở lại với sân khấu, nhất là sân khấu kịch.


0 comments:

Post a Comment