Tiếng pháo bên kia biên giới

Lào Cai - Sapa - Bắc Hà đầu năm mới

Ga xép

Vừa ra Tết, xe cộ máy bay tàu bè hỗn loạn hết cả lên, người xuôi kẻ ngược, giá vé thì tăng cao mà nhiều khi còn không có để mua. Thành ra đến phút cuối, do chủ quan mà chuyến đi lên "miền ngược" Lào Cai đành phải chấp nhận bằng toa ngồi ghế cứng trên chuyến tàu LC2 mở rộng (có nghĩa là tàu sẽ dừng ở rất nhiều ga xép và hay bị muộn giờ).

Mặc dù không phải lần đầu tiên đi Lào Cai bằng ghế ngồi cứng nhưng chuyến tàu hôm ấy vẫn thật sự ấn tượng! Có lẽ tàu Bắc - Nam những năm 1980s cũng chỉ đến thế, người đứng, người ngồi, người nằm, lố nhố hết cả dưới sàn tàu. Một bà cụ, trông dáng có vẻ thành thạo, còn đem sẵn theo một mảnh nilon, cụ lên tàu ở ga Phú Thọ, vừa lên đã trải ngay tấm nilon ra và ngủ một giấc đến tận khi tàu đến Phố Lu.

Tàu dừng ở ga xép thường rất nhanh, chỉ năm đến mười phút. Những cái ga xép trong đêm vắng, vắng người và vắng cả tiếng, đem lại cảm giác buồn bã mơ hồ của một kẻ xa nhà.

Cá hồi Sapa và rượu vang Chile

Sapa bây giờ trở thành nơi ăn chơi cuối tuần lý tưởng của thanh niên Hà Nội. Thị trấn nhỏ bé bây giờ không còn xa lạ, không còn bí ẩn lãng mạn nữa, mà lại thành một điểm ăn nghỉ lý thú. Nhất là dịp đầu năm, cứ tưởng như có thể gặp được nửa Hà Nội ở Sapa.

Lên đến Sapa, hội ngộ với một nhóm bạn phượt đang trên đường đi A Pa Chải, được một bữa cá hồi túy lúy. Cá hồi ở Sapa vừa tươi ngon lại vừa rẻ hơn cá hồi dưới xuôi. Nhóm bạn kia còn cất công đem theo một chai rượu vang Chile từ Hà Nội theo. Thôi thì đĩa cá hồi sống tươi rói, nồi lẩu bốc khói nghi ngút lẫn với màn sương mờ mịt bay từ ngoài cửa sổ vào, và ly rượu ngon nữa, nghĩ cái sự hưởng thụ nó cũng chỉ đến thế mà thôi.

Ăn mèn mén ở Bắc Hà

Ở Bắc Hà có mấy thứ đặc sản: rượu ngô, thổ cẩm, nhà vách đất, và mèn mén.

Phiên chợ Bắc Hà đầu năm mới không biết có đông hơn những ngày chủ nhật khác trong năm không, nhưng dập dìu chỗ nào cũng thấy bóng những cô thiếu nữ H’mong Hoa với những bộ váy áo rất đặc trưng, sặc sỡ (nhưng rất cứng). Thổ cẩm bày bán rất nhiều nhưng đồng bào Kinh không biết mặc cả thì chắc cũng bị “chém” như thường, vì chợ bây giờ cũng nhiều người Kinh rồi.


Mèn mén ăn một lần thì nhớ mãi vì cái vị khê nồng khó chịu của ngô. Một người đàn ông H’mong bảo: Bọn tao trồng ngô, sống cả đời với ngô thì phải ăn ngô thôi, chúng mày không ăn được đâu.

Tiếng pháo bên kia biên giới

Tối mùng 8 Tết ngồi ăn món nướng vỉa hè ở công viên Thủy Hoa (Lào Cai) ngay bên cạnh bờ sông (mình cũng không chắc là sông Hồng), phía bên kia là dòng Nậm Thi, và biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Bất chợt có tiếng pháo, nghĩ mình nghe nhầm, nhưng hóa ra là pháo thật, pháo Tết. Chị bán hàng bảo Tết nào bên ấy nó cũng đốt pháo như thế, suốt từ đêm 30. Lạ thật, tưởng Trung Quốc cấm đốt pháo trước cả Việt Nam cơ mà?

Hóa ra chỉ có các thành phố lớn thôi, còn những vùng xa xôi thì vẫn có pháo như thường, khách du lịch Việt Nam thậm chí còn sang bên đó để đốt pháo ké vào dịp Tết.


Nghĩ cũng hay hay vui vui. Lúc ấy là 7h tối, gió sông bắt đầu lạnh hơn, một bên phố vắng một bên đèn vàng, những vị khách xa nhà và hai vợ chồng chị chủ quán, lại có tiếng pháo xa xa vọng lại. Login vào Facebook để lại một câu: It’s so phuot.

Ừ. It’s so phuot.

0 comments:

Post a Comment