Lomography: Trào lưu hay văn hóa?


Sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số đã đem đến sự tiện dụng và nhiều ích lợi cho người dùng. Nhưng sau một thời gian, cũng như thời trang – người ta lại có xu hướng quay trở về những thứ đồ bây giờ đã được coi là “cổ”.

Vài năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam bắt đầu quay trở lại với thú chụp ảnh bằng máy phim. Từ những chiếc máy ảnh analogue 100% có thời gian sản xuất từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cho đến một dòng máy đặc biệt hơn – được gọi tên Lomography.

Lomography như một mạch chảy ngầm, không quá ồn ào để trở thành “mốt” của số đông công chúng, nhưng nó vẫn ngấm ngầm lan tỏa và ngày càng phổ biến hơn, nhất là trong giới những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.

Lomography là…?


Chẳng khó khăn gì trong thế giới Internet ngày nay, dạo vài vòng vào các diễn đàn ảnh hoặc profile của một người thích chụp ảnh, gặp vài tấm ảnh trông lạ lạ, màu sắc rực rỡ, ý tưởng ngộ nghĩnh hoặc có khi là… mặt người này chồng lên thân kẻ khác (!) – rất có thể là một tấm ảnh Lomography đấy.


Hãy quay trở lại lịch sử của Lomography một chút trước khi nói thêm bất cứ điều gì về nó…

Cái tên Lomography xuất phát từ chiếc máy ảnh Lomo (Leningradskoje Opitiko Mechanitscheskoje Objedinenie) do Liên Xô sản xuất. Năm 1982, chiếc máy ảnh Lomo LC-A đầu tiên ra đời, với mục đích là một chiếc máy ảnh compact tự động, gọn nhẹ và giá thành rẻ. Cho đến năm 1991, tình cờ có hai chàng sinh viên người Áo sử dụng chiếc máy ảnh này trong dịp đi du lịch tới Prague, với cách chụp hoàn toàn ngẫu hứng và tạo ra những bức ảnh rực rỡ, sinh động và vô cùng độc đáo. Chiếc máy ảnh Lomo LC-A và cách chụp ảnh này dần trở thành trào lưu trong giới trẻ châu Âu, rồi lan ra toàn thế giới và một dòng nhiếp ảnh mới được ra đời: Lomography.

Không có định nghĩa nào giới hạn cho ảnh Lomography (từ nay có thể gọi tắt là ảnh Lomo), vì ngay từ ban đầu ảnh Lomo đã được ra đời từ sự ngẫu hứng. Tuy nhiên có một đặc điểm chung nhất của ảnh Lomo là máy ảnh đơn giản và sử dụng nguyên tắc cơ học căn bản của máy ảnh. Máy sử dụng phim và khi chụp thì hoàn toàn ngẫu hứng. Khẩu hiệu chung cho giới chụp ảnh Lomo là “don’t think, just shoot” (đừng nghĩ, chỉ chụp thôi).

Máy ảnh Lomo bây giờ cũng không chỉ dừng lại ở những chiếc máy Lomo LC-A năm nào nữa, người ta đã sản xuất và sáng tạo ra rất nhiều dòng  máy Lomo khác nhau, phục vụ nhiều nhu cầu, mục đích, sở thích và… sự ngẫu hứng của người chụp.

Con đường đến với Lomo

Có nghìn lẻ một lý do để một người đến với ảnh Lomo và yêu thích nó. Nhưng dù gì đi nữa, ảnh Lomo là một thứ dễ nghiện. Còn nhớ mới năm ngoái, khi sang Bangkok và gặp một người bạn Thái Lan ở đó, anh chàng trông rõ cao to chững chạc mà hôm đưa chúng tôi đi chơi trên phố, anh ta đeo toòng teng trên cổ một chiếc máy ảnh vỏ nhựa màu đỏ… trông như đồ chơi! Thỉnh thoảng lại thấy anh ta giơ máy lên bấm tạch tạch, thậm chí chụp mà còn không thèm ngắm trước. Hơi lạ nhưng sợ bất lịch sự nên tôi không hỏi.

Vài tháng sau, về Việt Nam, đúng lúc nhu cầu của tôi là mua một chiếc máy ảnh gọn nhẹ, giá vừa phải mà lại không phải là máy ảnh Point n’ Shot (máy kỹ thuật số tự động). Yêu cầu hơi ngược đời (vì muốn gọn nhẹ thì chỉ có PnS), vậy mà cuối cùng tôi đã tìm ra được chính xác loại máy ảnh mình nên mua, nhờ sự gặp gỡ tình cờ với một cậu bạn chuyên bán máy ảnh Lomo.

Multi-exposure, một cách chụp ảnh ưa thích với máy ảnh Lomo

Con đường đến với ảnh Lomo của tôi hơi ngược đời như vậy, nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, nhanh chóng yêu thích và gần như nghiện chiếc máy ảnh của mình và đi đâu cũng đem theo. Đến lúc đó tôi mới nhớ ra cậu bạn và chiếc máy ảnh đỏ… Thời gian cách nhau chỉ vài tháng, từ một người không có chút khái niệm nào về ảnh Lomo, tôi đã đứng chung vào nhóm những con nghiện dòng ảnh này!

Vì sao Lomo lại thu hút giới trẻ như vậy? Một vài người thích vì sự sinh động và sắc màu của ảnh Lomo, một vài người khác thích vì… những chiếc máy ảnh (thử dạo qua một vòng shop bán máy ảnh Lomo trên website chính thức của Lomography xem, bạn sẽ sẵn sàng thích nó ngay). Nhưng lý do lớn hơn cả, người ta thích nó vì sự ngẫu hứng và sáng tạo không giới hạn.

Sống chung với Lomo

Vui, lạ, trẻ trung và dễ dàng gây nghiện, nhưng để sống chung lâu dài được với Lomo không đơn giản. Trước hết vì sự mất thời gian (và cả tiền bạc) cho chuyện mua phim, tráng phim và scan (hoặc rửa ảnh) sau khi chụp. Nhẩm tính đơn giản, chụp mỗi cuộn phim thường 35mm sẽ tốn trên dưới 50 ngàn đồng, đấy là chưa kể những người sử dụng phim 100mm, phim chuyên dụng cho Lomo để đạt hiệu quả màu sắc hơn, số tiền sẽ là gấp đôi hoặc gấp ba. Chụp xong sẽ phải đem ra tiệm tráng phim và scan, đi lại mất tương đối thời gian.

Lý do thứ hai sẽ khiến bạn có thể bỏ cuộc là… ý kiến của những người không thích ảnh Lomo. Sự độc đáo bao giờ cũng có hai mặt, ở phía bên kia của ranh giới yêu thích Lomo là những người ghét ảnh Lomo. Đấy là những người không thích sự lộn xộn, không thích sự ngẫu hứng, không thích những gì nằm ngoài trật tự bình thường. Bạn sẽ nhận được những lời nhận xét tiêu cực, từ nhẹ tới nặng. Bản thân tôi cũng đã chịu mất luôn một người bạn vì sở thích Lomo của mình (!)

Chính vì thế, có lẽ chỉ sự kiên nhẫn và thực sự yêu thích mới khiến bạn gắn bó lâu dài với ảnh Lomo.

Trào lưu hay văn hóa?

Trào lưu là những thứ ngắn hạn, dễ đến và cũng dễ đi. Những trào lưu cũ sẽ được thay thế bởi  những trào lưu mới. Cũng không có gì sai khi bạn theo đuổi một trào lưu. Chỉ có điều là, khi nói về Lomography, tôi thường tự hỏi Lomo cũng sẽ đến rồi đi và quét qua giới trẻ Việt nam như một trào lưu, hay sẽ vẫn tiếp tục ở lại và trở thành một nét văn hóa riêng, xây dựng cho nó một cộng đồng riêng của những người yêu thích thứ nghệ thuật đặc trưng và kỳ lạ này?

Câu trả lời có lẽ đã nằm ngay ở trên, khi tôi nhắc đến việc sống chung lâu dài với Lomo. Sự kiên nhẫn và gắn bó sẽ không dễ dàng nhìn thấy trên bề mặt mỗi bức ảnh.

Cambodia Royal Palace

Người ta có thể chỉ cần vài thao tác đơn giản với một phần mềm chỉnh sửa ảnh, cũng có thể tạo ra những bức ảnh kiểu Lomo từ một bức ảnh kỹ thuật số. Nhưng chắc chắn, điều đó sẽ không đem lại cho bạn cảm giác của lúc lắp phim, giơ máy ảnh lên bấm không cần suy nghĩ, (hoặc là nghĩ rất nhiều trước đó để có được một kiểu ảnh độc đáo nhất), tiếng kêu tạch tạch đặc trưng của những chiếc máy ảnh Lomo, cả cảm giác hồi hộp khi chờ phim được tráng xong và rửa thành ảnh… Từ sâu xa hơn, sự gắn bó với Lomo có thể xem như một tuyên ngôn gắn bó với những vẻ đẹp gốc và sự ngẫu hứng sáng tạo không ngừng. Tất cả những điều đó gộp chung lại sẽ tạo thành một thứ gọi là say mê và không dễ dàng từ bỏ. Và khi đó, trào lưu sẽ trở thành văn hóa.

Tạp chí H Lifestyle - tháng 8/2011
Những bức ảnh trên được chụp với Diana Mini, phim Fuji Superia 200


0 comments:

Post a Comment